Bà Bạch Diệp khai đi sinh nhật, phòng công chứng nói bị cáo có đến ký

Bà Diệp khai ngày 31/12/2008 bị cáo ở Quy Nhơn dự sinh nhật cùng chồng, không có mặt tại TP.HCM; trong khi đại diện Phòng Công chứng số 1 khẳng định bà đến văn phòng ký hồ sơ.

Tại phiên tòa sáng 25/3, ông Nguyễn Chí Hoàng, đại diện Phòng Công chứng số 1, được HĐXX triệu tập đến để giải thích các vấn đề liên quan hợp đồng công chứng nhà 57 Cao Thắng.

Chủ tọa đề nghị ông Hoàng làm rõ việc bà Dương Thị Bạch Diệp một mực cho rằng không hề ký hợp đồng công chứng và hợp đồng đó không hề có trong hệ thống. Với phần mềm master lưu giữ hợp đồng công chứng thì ai vào cũng được hay chỉ những người có thẩm quyền?

Bà Diệp có đến ký hợp đồng?

Trước tòa, ông Hoàng khẳng định ngày 31/12/2008, bà Diệp có đến phòng công chứng để ký hồ sơ. Ông cho rằng tất cả nhân viên biết việc này. Sở dĩ ông nhớ rõ là vì hôm đó phòng công chứng phải làm việc đến 19h. Nhiều người đến thực hiện công chứng hợp đồng vì hôm sau là ngày bắt đầu tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài hợp đồng thế chấp, bà Diệp còn có 7 hợp đồng mua bán khác được công chứng cùng ngày. Theo ông, các hợp đồng chủ yếu là giao dịch ký bán tài sản riêng của bà Diệp cho Công ty Diệp Bạch Dương.

 Đại diện Phòng Công chứng số 1 khẳng định bà Dương Thị Bạch Diệp có tới công chứng hợp đồng ngày 31/12/2008. Ảnh: Chí Hùng.

Đại diện Phòng Công chứng số 1 khẳng định bà Dương Thị Bạch Diệp có tới công chứng hợp đồng ngày 31/12/2008. Ảnh: Chí Hùng.

Trong phần tranh luận trước đó, bà Diệp khẳng định ngày 31/12/2008 bà không thể nào có mặt ở TP.HCM, bởi năm nào bà cũng về Quy Nhơn (Bình Định) thời điểm đó để dự sinh nhật cùng chồng.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc ông Hoàng khẳng định bà Diệp có đến phòng công chứng là mơ hồ. Nếu không có camera ghi lại mà chỉ là lời nói thì không có tính kiểm chứng, xác thực. Thêm vào đó, luật sư Hoài cho biết thời điểm đó ông Nguyễn Chí Hoàng chưa về làm việc tại Phòng Công chứng số 1.

Luật sư Hoài khẳng định bà Diệp chưa bao giờ có mặt tại Phòng Công chứng số 1 vào ngày 31/12/2008. Ông Hoài đề nghị phòng công chứng cung cấp thông tin chính xác bà Diệp có mặt ở phòng công chứng thời điểm nào. Bởi trong bản đăng ký giao dịch bảo đảm của Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường và đăng ký nhà đất thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm này được thực hiện hoàn tất vào lúc 10h35 ngày 31/12/2008.

"Như vậy bà Diệp phải hoàn tất các thủ tục ký hợp đồng công chứng trước 10h ngày 31/12/2008. Phải chứng minh sáng hôm đó bà Diệp và ngân hàng cùng có mặt tại phòng công chứng", luật sư Hoài đề nghị.

Tranh luận trở lại, ông Hoàng cho rằng không phải bản thân ông chứng kiến bà Dương Thị Bạch Diệp có mặt tại Phòng Công chứng số 1 mà những người làm ở đây thời điểm đó đều nói như thế.

"Lúc đó tôi chưa về nên tôi không biết. Cách trả lời của tôi là 'tất cả' có khả năng hàm hồ. Nhưng hàm hồ trên cơ sở người từng làm cũng nói như vậy", ông Hoàng biện luận.

Mâu thuẫn thời gian công chứng

Người bào chữa cho bà Diệp cũng đề nghị ông Hoàng cung cấp bằng chứng để chứng minh bản hợp đồng công chứng nhà 57 Cao Thắng có lưu trên hệ thống master (chương trình của Bộ Tư pháp cung cấp).

Dựa vào việc tra cứu thông tin lịch sử giao dịch, luật sư Phan Trung Hoài phát hiện với hợp đồng thế chấp 57 Cao Thắng, việc công chứng được thể hiện thực hiện vào ngày 16/1/2009. Trong khi đó, Ngân hàng Agribank và cả Phòng Công chứng số 1 khẳng định việc công chứng hợp đồng thế chấp nhà 57 Cao Thắng là vào ngày 31/12/2008.

"Tôi nghĩ vụ án không thể tiếp tục được nữa mà cần phải xác minh. Tài liệu cung cấp và tra trên hệ thống master không có ngày nhưng tài liệu lịch sử giao dịch ghi ngày thực hiện giao dịch công chứng là 16/1/2009", luật sư Hoài nói.

Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: Chí Hùng.

Về điều này, đại diện Phòng Công chứng số 1 cho rằng luật sư Hoài phát hiện tinh ý. Ngay cả bản thân ông cũng thấy được sự chênh lệch 16 ngày. Song, theo ông Hoàng, việc này là "hết sức bình thường".

Ông Hoàng cho rằng những ai làm công chứng thời điểm 2008 đều biết dù ngày công chứng là 31 nhưng do nhiều hồ sơ, nhiều người giao dịch nên không nhập vào hệ thống kịp.

"2-3 ngày sau, thậm chí như trong trường hợp này 16 ngày mới nhập số kịp. Đến sau này, khi Quyết định 1988 của thành phố có hiệu lực từ năm 2018 mới quy định công chứng lúc nào phải nhập trong ngày, muộn lắm là không quá hôm sau", ông Hoàng lý giải.

Tuy nhiên, HĐXX tỏ ý không đồng tình với lời giải thích này và đề nghị Phòng Công chứng số 1 có văn bản giải thích.

"Đặt trường hợp công chứng ngày 31/12/2008 thì kể cả nhập hồ sơ sau đó một tháng anh vẫn phải ghi nhận hồ sơ đã được công chứng vào 31/12/2008 chứ không thể 1 tháng sau nhập lại bảo công chứng vào ngày nhập được. Chỗ này cần được làm rõ bằng văn bản", chủ tọa yêu cầu.

Bên cạnh đó, vấn đề tranh luận xoay quanh hợp đồng ba bên giữa Agribank - Công ty Diệp Bạch Dương - Phan Thành vẫn chưa được những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm rõ. Do đó, HĐXX quyết định tạm nghỉ phiên tòa. Chiều 26/3, tòa sẽ đưa ra quyết định tiếp theo về hướng xét xử vụ án.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-bach-diep-khai-di-sinh-nhat-phong-cong-chung-noi-bi-cao-co-den-ky-post1197043.html