Ðẩy mạnh xây dựng chính quyền số

Cùng với thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin, các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chủ động đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN)…

Người dân cùng cán bộ UBND quận 1 thao tác trên thiết bị thông minh để thực hiện các quy trình liên thông thủ tục hành chính.

Người dân cùng cán bộ UBND quận 1 thao tác trên thiết bị thông minh để thực hiện các quy trình liên thông thủ tục hành chính.

Cùng với thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin, các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chủ động đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN)…

Là đơn vị hành chính cấp quận có số dân đông nhất trong số các quận, huyện của thành phố và nhiều biến động về dân cư, quận Bình Tân xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu là giải pháp rút ngắn “khoảng cách” giữa chính quyền và người dân, DN trong giải quyết các TTHC.

Ðã thành thói quen, mỗi khi có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính hay cập nhật thông tin về nhà đất, bà Nguyễn An Thy, ngụ khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân lại dùng app “Bình Tân công dân số” được cài đặt trên điện thoại thông minh của mình để vào xem. Theo bà Thy, đây là hình thức tương tác giữa người dân và chính quyền tiện lợi, nhanh chóng, giảm bớt thời gian đi lại rất nhiều. Trường hợp người dân hay DN có nhu cầu đến quận nộp hồ sơ bản giấy thì cũng đã xem trước thông tin, hướng dẫn đăng tải trên app để chuẩn bị mà không phải lui tới, bổ sung giấy tờ nhiều lần.

Theo UBND quận Bình Tân, tính từ tháng 11-2018 (thời điểm quận công bố ứng dụng “Bình Tân công dân số”) đến nay, đã có hơn 30 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn quận cài đặt và tải ứng dụng này về điện thoại. Qua ứng dụng, quận đã tiếp nhận hơn một nghìn ý kiến phản ánh của người dân, đơn vị trên nhiều lĩnh vực như trật tự xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự… với kết quả xử lý phản ánh đạt hơn 97%.

Chánh Văn phòng UBND quận Bình Tân Nguyễn Văn Lăm cho biết thêm, quận cũng đã triển khai thực hiện phương thức thanh toán điện tử đối với khoản thu học phí và thu khác tại tất cả 62 trường học công lập trên địa bàn quận; xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư thường trú được 332.148 nhân khẩu (tỷ lệ 100%), thu thập thông tin dân cư tạm trú được 446.150 nhân khẩu (tỷ lệ 100%); xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch đạt hơn 95%; lập dự án xây dựng bản đồ (GIS) và một số phần mềm chuyên ngành phục vụ hoạt động hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận, giúp cho việc điều hành của UBND quận từng bước được thực hiện trên môi trường điện tử.

“Có thể nói, quận Bình Tân đã từng bước chuyển đổi mô hình quản lý hành chính bằng văn bản giấy sang quản lý hành chính bằng văn bản điện tử và tạo lập cơ sở dữ liệu số, bước đầu đặt nền móng hình thành chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh”, ông Lăm nhấn mạnh…

Mới đây, UBND quận 1 cũng đã triển khai công trình nâng cấp, đồng bộ dịch vụ công trực tuyến tại UBND 10 phường thuộc quận, tích hợp liên thông dữ liệu quận - phường với trục liên thông dữ liệu LGSP (nền tảng dịch vụ, chia sẻ dữ liệu) của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Mai Thị Hồng Hoa chia sẻ, các UBND phường đã có sự quan tâm triển khai các dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị, tuy vậy, các dịch vụ công trực tuyến còn riêng lẻ, chưa có sự đồng đều về số lượng TTHC giữa các đơn vị. Chẳng hạn, UBND phường Tân Ðịnh đã triển khai 25 TTHC, nhưng UBND phường Cầu Ông Lãnh chỉ với bốn TTHC. Một số phường triển khai dịch vụ công trực tuyến nhưng dữ liệu thiếu đồng bộ, không thống nhất; việc đồng bộ dữ liệu từ các TTHC cũng chưa bảo đảm cho việc liên thông và chia sẻ giữa các đơn vị với nhau...

Từ những bất cập nêu trên, UBND quận 1 đã chủ động triển khai công trình nâng cấp, đồng bộ 25 dịch vụ công trực tuyến (thuộc các lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch; Ðịa chính - Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Y tế) tại UBND 10 phường, tích hợp liên thông dữ liệu quận - phường với trục liên thông dữ liệu LGSP của thành phố.

Việc đồng bộ 25 TTHC này sẽ giúp người dân và DN có thêm kênh để tiếp cận các TTHC, dễ dàng tra cứu các TTHC khi có nhu cầu; đồng thời có thể kiểm tra kết quả của các cơ quan hành chính đang thụ lý giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, việc tích hợp, đồng bộ các dữ liệu còn góp phần giúp người đứng đầu các đơn vị kiểm soát được tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn; giám sát được việc triển khai áp dụng các quy trình ISO, phát huy được các quy trình xử lý các việc của cơ quan hành chính cấp phường…

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường, Chương trình chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp thành phố xây dựng đô thị thông minh, vì vậy chính quyền thành phố xác định sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền, trọng tâm là xây dựng chính quyền số. Chính quyền số sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và DN, do đó thành phố sẽ nâng cao các ứng dụng nhằm mở rộng sự tương tác giữa chính quyền và người dân; người dân và DN chỉ cần cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau. Chính quyền số chính là tập trung nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP), triển khai kho dữ liệu dùng chung, số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, nhiều địa phương ở thành phố còn gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng và từng bước chuyển đổi mô hình quản lý từ truyền thống sang mô hình điện tử, nhất là sự đồng bộ dữ liệu của các phần mềm chuyên ngành. Cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố đang trong quá trình xây dựng, cần có thời gian để hoàn thiện, do đó, việc khai thác dữ liệu giữa địa phương và các sở, ngành, thành phố vẫn còn hạn chế…

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ay-manh-xay-dung-chinh-quyen-so-628975/