Ðẩy mạnh việc xử lý sau thanh tra

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai hoạt động của ngành thanh tra năm 2019 vừa qua, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã nêu rõ một số thông tin tích cực trong hoạt động thanh tra năm 2018. Ðáng chú ý là công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra đã được thực hiện quyết liệt và có hiệu quả rõ nét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự Hội nghị ngành thanh tra. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.007 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác hơn 13 nghìn tỷ đồng, đạt 85% (tăng 22% so với năm 2017); đôn đốc, xử lý 1.426 tập thể, 3.747 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 149 vụ (tăng 133 vụ), 31 đối tượng. Năm 2018, tỷ lệ thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý về kinh tế vượt mục tiêu đề ra (đạt 85%). Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.984 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 1.068 tỷ đồng, đạt 76% (tăng 24% so với năm 2017). Ðiều đó phần nào cho thấy, quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng...

Trong thực tế hoạt động của ngành thanh tra, kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu lực của hoạt động thanh tra, xác định hoạt động thanh tra có đạt kết quả đề ra hay không. Chính vì vậy, Chính phủ, TTCP và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức bộ máy, quy trình, trình tự thủ tục theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, trong thực tế, việc giám sát, đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn những hạn chế, bất cập và khó khăn ở nhiều cấp, ngành và đơn vị. Ðáng chú ý, có những kết luận thanh tra chưa có tính khả thi cao, thiếu căn cứ; kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân vi phạm, chưa phù hợp thực tiễn gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra. Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở một số cấp từ bộ, ngành tới địa phương chưa thật sự quan tâm việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra. Còn tình trạng một số kết luận thanh tra kiến nghị biện pháp xử lý nhưng chung chung, chỉ đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng không quy định thời hạn dẫn tới công tác đôn đốc, theo dõi xử lý bị động. Một số cơ quan quản lý nhà nước chậm thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra liên quan trách nhiệm của mình, có biểu hiện đùn đẩy, đối phó. Ngoài ra, có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh…

Sự thành công, tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng luôn gắn bó chặt chẽ với hiệu quả giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra. Vì vậy, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm cải thiện hiệu quả, chất lượng hoạt động của ngành thanh tra. Các cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao ngay sau khi có kết luận, kiến nghị thanh tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra của cấp có thẩm quyền; định kỳ thực hiện kiểm tra việc chấp hành và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra; có kế hoạch phối hợp các cơ quan liên quan lĩnh vực hoạt động của đối tượng thanh tra để xử lý các đối tượng có biểu hiện trốn tránh, chây ỳ không chịu thực hiện các kiến nghị trong kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, bằng nhiều hình thức, thí dụ: điện thoại nhắc nhở, ban hành văn bản thông báo và làm việc trực tiếp với các đối tượng thanh tra để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị; thông báo cho các cơ quan quản lý, cơ quan liên quan đến đối tượng thanh tra khi đối tượng thanh tra trốn tránh, chây ỳ thực hiện kết luận thanh tra.

Cần tiếp tục mở rộng việc thông tin, công khai, minh bạch các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra để các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan tham gia thực hiện giám sát, theo dõi và đôn đốc, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp, cụ thể để nâng cao hiệu quả công việc quan trọng này…

SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/38954202-%C3%B0ay-manh-viec-xu-ly-sau-thanh-tra.html