Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Tháng 3-2012, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Ðề án 'Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội'. Sau bảy năm thực hiện, đến nay trên địa bàn Thủ đô đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô tập trung, trong đó có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập của nông dân, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Năm 2012 - năm đầu triển khai Ðề án, thành phố Hà Nội chỉ có hơn 2.000 ha hoa, cây cảnh trồng tại 18 xã thuộc năm quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Ðan Phượng và Thường Tín. Ðến nay, diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của thành phố đã đạt hơn 7.000 ha chủng loại hoa ngày càng phong phú, đa dạng. Trong đó, diện tích gieo trồng một số loại hoa tăng cao, như hoa hồng từ 770 ha, đã tăng lên gần 1.800 ha; hoa cúc từ 450 ha nay đạt 968,8 ha; hoa đào từ gần 300 ha, tăng lên 474 ha... Tăng mạnh nhất là diện tích trồng hoa lan và ly. Năm 2012, diện tích trồng hai loại hoa này đạt 14,4 ha. Ðến năm 2018 đã đạt 278 ha, gấp khoảng 19 lần. Riêng tại xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, trung bình mỗi năm diện tích trồng hoa ly tăng từ 2 đến 2,5 ha, cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng/sào. Gia đình anh Ðỗ Huy Nghĩa ở thôn Táo 2 là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong xã Tam Thuấn lập nghiệp bằng nghề trồng hoa ly. Ðến nay, gia đình anh có 2,5 ha trồng các loại hoa, trong đó hoa ly chiếm khoảng gần 2 ha. Trước Tết Nguyên đán, giá hoa dao động từ 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/cành, nhưng đến những ngày sát Tết lên khoảng 50 nghìn, 60 nghìn đồng/cành. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh Nghĩa thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.

Không chỉ mở rộng về diện tích, phong phú chủng loại, chất lượng hoa, cây cảnh cũng từng bước đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Nhờ vậy giá trị thu nhập trung bình 1 ha hoa, cây cảnh ở Hà Nội năm 2018 đạt từ 300 triệu đến 350 triệu đồng. Riêng với những mô hình hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hợp tác xã (HTX) Ðan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Ðan Phượng) là một trong những đơn vị điển hình về mô hình này. Cơ sở này có khu sản xuất rộng 20.000 m2, chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp như lan hồ điệp, lan vũ nữ, hoa ly... Trong đó, doanh thu từ sản xuất hoa lan hồ điệp trong nhà kính đạt từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng/ha/năm; doanh thu từ sản xuất hoa lan vũ nữ, hoa ly trong nhà lưới hiện đại cấp II đạt từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha/năm, góp phần tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 70 lao động bán thời gian, với thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng.

Mô hình trồng hoa trong nhà kính hiện đại của HTX Hoa, cây cảnh Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) cũng là một điển hình sản xuất, kinh doanh hoa hiệu quả. HTX có 7 ha, trong đó có 1.000 m2 nhà kính có hệ thống thông gió, tưới nước tự động, điều khiển nhiệt độ để sản xuất giống lan hồ điệp và 3.000 m2 nhà lưới chuyên dụng trồng hoa ly và hoa đồng tiền; diện tích còn lại trồng các loại hoa loa kèn, cúc, hồng... Trung bình mỗi vụ, HTX thu gần hai tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng một tỷ đồng. Số tiền này, mỗi xã viên được chia lãi 40% tương ứng vốn đóng góp, một phần lãi trích lại để HTX mở rộng quy mô trồng các loại hoa giá trị kinh tế cao...

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện thành phố mới chỉ có hơn 110 ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3 ha và có 0,1 ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Vì vậy, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300 ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa.

Ðể phát triển các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HÐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó, đối với sản xuất hoa, cây cảnh, thành phố cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp, HTX đầu tư nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông xã. Khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, hình thành bền vững hệ thống sản xuất, cung ứng giống và vật tư cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh. Ðể sản phẩm hoa, cây cảnh Thủ đô vươn xa, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường việc liên doanh, liên kết giữa các "nhà" theo mô hình ký kết, hợp tác cùng đầu tư, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm theo hợp đồng thỏa thuận và theo cơ chế thị trường.

Với những cơ chế, chính sách nêu trên, thời gian tới, các doanh nghiệp, hộ nông dân có thêm "đòn bẩy" để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40258902-%C3%B0ay-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-trong-hoa-cay-canh.html