Ðẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

Những năm qua, nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu, tại nhiều địa phương trên cả nước, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế… được thành lập và hoạt động hiệu quả. Ðây là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng 800 gốc hoa lan của thanh niên Trần Trung Dũng tại thôn Vọng Sơn, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: PHONG BAN

Mô hình trồng 800 gốc hoa lan của thanh niên Trần Trung Dũng tại thôn Vọng Sơn, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: PHONG BAN

Những năm qua, nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu, tại nhiều địa phương trên cả nước, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế… được thành lập và hoạt động hiệu quả. Ðây là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương có truyền thống làm nông nghiệp, với mơ ước phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đoàn viên Ngô Minh Ðạt, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), quyết tâm ở lại quê hương để lập nghiệp. Với niềm đam mê nghiên cứu về kỹ thuật trồng nấm đông trùng hạ thảo, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư cơ sở nguyên liệu trồng nấm từ năm 2019. Không ít lần nản chí vì cấy ghép bị hỏng, nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, hỗ trợ vốn thông qua tổ chức đoàn, cộng với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, mô hình của anh đã thành công. Mô hình được làm theo quy trình khoa học do đó sản phẩm làm ra không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, mô hình ngày càng mang tính hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường, đầu ra được bao tiêu ổn định từ các đối tác và khách hàng. Dù trong năm 2020, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song trừ chi phí, sau một năm, mô hình vẫn cho anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Cùng với đó, đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Ðạt còn là một đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương, nổi bật là người đứng đầu thành lập ra Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện của xã Gia Sinh. Ðợt lũ, lụt vừa qua, CLB đã tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm cho đồng bào miền trung.

Theo lãnh đạo Huyện đoàn Gia Viễn, trong những năm qua, cùng với việc đổi mới sáng tạo trong tổ chức các phong trào, hoạt động thanh niên trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Trong chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tích cực triển khai đề án “Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2022”, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên theo Nghị quyết 43 của HÐND tỉnh với 10 mô hình với tổng số vốn là 500 triệu đồng. Ðồng thời, thẩm định ba mô hình thanh niên có mô hình phát triển kinh tế để vay vốn theo Ðề án 120, với tổng số tiền 120 triệu đồng. Song song với công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với các mô hình phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Huyện đoàn Gia Viễn tiếp tục duy trì CLB tổ hợp tác xã thanh niên làm kinh tế giỏi và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, hỗ trợ thành lập HTX phát triển do thanh niên làm chủ, quản lý. Ðến nay, toàn huyện có tám tổ vay vốn do đoàn thanh niên quản lý, tạo điều kiện cho mọi thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Không chỉ hỗ trợ về vốn, thời gian qua, Huyện đoàn còn phối hợp các Ðoàn trường THPT tổ chức các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho gần 1.200 học sinh, đoàn viên thanh niên giúp học sinh định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.

Với những hoạt động thiết thực cũng như kết quả đạt được trong phong trào “Ðồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp” thời gian qua của Huyện đoàn Gia Viễn nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung, đã khẳng định vai trò của tổ chức Ðoàn trong đời sống thanh niên, góp phần phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua phong trào, đã thu hút, khuyến khích thanh niên lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ và dám làm giàu ngay trên chính quê hương của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên hiện nay, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tiềm ẩn không ít khó khăn, thử thách. Ở nhiều địa phương, phần lớn các mô hình kinh tế thanh niên quy mô còn nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, manh mún, chậm khắc phục tình trạng khó khăn yếu kém; chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề và hình thức liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp. Ngoài ra, thanh niên cũng thiếu những kiến thức trong phân tích thị trường, tìm kiếm cơ hội, hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích rủi ro và chưa có các kỹ năng, sự tự tin trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Ðoàn - Hội, nhất là cơ sở còn nhiều hạn chế về trình độ, kỹ năng và khả năng tạo điều kiện cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Nội dung hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu trong việc đoàn kết tập hợp thanh niên trong tình hình mới, chưa theo kịp với nhu cầu của thanh niên.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc tập trung phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, cần đẩy mạnh phong trào “khởi nghiệp, lập nghiệp” trong thanh niên, tạo ra những kết quả đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các tổ chức đoàn cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ và đoàn viên, thanh niên về mô hình phát triển kinh tế. Ðẩy mạnh phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, thi đua lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ tự tạo việc làm theo hướng tập trung, hiệu quả, vững chắc, nâng cao mức vay đầu tư, khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải; ưu tiên đầu tư cho thanh niên khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, tự tạo việc làm và thu hút lao động tại chỗ. Ðồng thời, chủ động làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho thanh niên.

“Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, tổ chức đoàn cơ sở cần đẩy mạnh vận động, hướng dẫn đoàn viên thanh niên áp dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của đoàn viên thanh niên để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp”.

NGUYỄN HỒNG HẠ, Huyện đoàn Gia Viễn, Ninh Bình

“Cản trở lớn nhất trong khởi nghiệp của thanh niên hiện nay là tư duy về nghề nghiệp, việc làm của thanh niên. Một bộ phận giới trẻ còn ngại khó, ngại khổ, chỉ muốn một công việc ổn định sau khi ra trường. Nhiều thanh niên muốn đầu tư phát triển kinh tế, nhưng lại thiếu nguồn vốn, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp chưa xây dựng một cách đồng bộ, hiệu quả”.

NGUYỄN TUẤN HÀ, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ, Hà Nội

HÙNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/ay-manh-phong-trao-khoi-nghiep-lap-nghiep-trong-thanh-nien-639200/