Ðẩy mạnh phát triển ngành thương mại dịch vụ

Ngành thương mại dịch vụ thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng khai thác. Ðể tận dụng hết tiềm năng này, cần có những giải pháp tổng hợp nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường hàng hóa gắn với hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, thương mại dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh có những bước tiến mang tính đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm, khẳng định quá trình tăng tốc mới và có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP). Năm 2018, GRDP của thành phố ước đạt 1.331.440 tỷ đồng, trong đó khu vực thương mại dịch vụ giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng với mức đóng góp lớn nhất 62,4%. Sáu tháng đầu năm 2019, GRDP của thành phố ước đạt hơn 611 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 558.488 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố đang diễn ra theo hướng tích cực, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhất là chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố chiếm tỷ trọng cao trong tổng GRDP. Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao; ngành thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; tài chính - ngân hàng... ngày càng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Cùng với đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định và tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế thành phố.

Ðến nay, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại hàng đầu cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống phân phối hàng hóa, thành phố có 213 siêu thị (chiếm 22% tổng số siêu thị cả nước), 46 trung tâm thương mại (chiếm 23% tổng số trung tâm thương mại cả nước), 236 chợ truyền thống và hơn 2.400 cửa hàng bán lẻ hiện đại được quản lý, khai thác, vận hành bởi các đơn vị bán lẻ hàng đầu trong nước và các tập đoàn lớn của thế giới. Bên cạnh đó, thành phố có ba chợ đầu mối nông sản tại các khu vực cửa ngõ cung cấp lượng hàng hóa hơn 9.000 tấn/ngày đêm. Ba chợ đầu mối này có vai trò kết nối trực tiếp vùng sản xuất nông nghiệp lớn của khu vực miền trung và phía nam, gắn với hệ thống bán lẻ trên địa bàn và trở thành trung tâm trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, cơ cấu kinh tế của thành phố đã tăng dần các ngành thương mại dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu đang chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 57%) trong GRDP của thành phố. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được HÐND thành phố thông qua theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HÐND, đã đưa ra những nội dung tiếp cận dịch vụ nói chung và dịch vụ thương mại nói riêng theo hướng hài hòa vừa phù hợp với các quy hoạch trong nước vừa tương thích với các phân loại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Qua đó, quy hoạch phát triển ngành thương mại dịch vụ tập trung nghiên cứu các dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động gắn với thị trường dịch vụ thế giới mở. Và đến năm 2030, phấn đấu đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quan trọng ở khu vực Ðông - Nam Á. Ðịnh hướng phát triển thương mại dịch vụ trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh phát triển các nhóm, ngành thương mại dịch vụ khác, nhìn tổng thể, lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tạo ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại thành phố. Song song đó, xây dựng hệ thống bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên, xúc tiến thương mại là động lực phát triển. Từ định hướng này, dự kiến đến năm 2025, thành phố phát triển thêm 23 chợ, 57 siêu thị, 74 trung tâm thương mại, nâng tổng quy mô hệ thống phân phối trên địa bàn đạt 270 siêu thị, 120 trung tâm thương mại...

Cụ thể hóa các mục tiêu nêu trên, năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1891/QÐ-UBND về kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển cơ sở hạ tầng ngành thương mại, nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phân công cụ thể trách nhiệm của 13 sở, ban, ngành và 24 quận, huyện trong quá trình tổ chức thực hiện. Ðồng thời, kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đề xuất Chính phủ cần có cơ quan đầu mối giữ vai trò “tổng chỉ huy”, điều hành thống nhất, đồng bộ lĩnh vực logistics. Bởi, theo quy định hiện hành, toàn bộ hạ tầng giao thông, bến bãi và quản lý dịch vụ vận tải còn chưa thống nhất, chồng lấn... là rào cản đối với sự phát triển hệ thống logistics.

Về hạ tầng logistics, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hình thành mạng lưới trung tâm phân phối hàng hóa để làm nơi tập trung, lưu trữ, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối hoạt động trong nội thành và các tỉnh lân cận của thành phố. Xây dựng thêm hai trung tâm logistics quy mô lớn đặt tại khu vực phía bắc và phía nam thành phố, quy mô mỗi trung tâm đến năm 2030 hơn 70 ha kết nối với các cảng cạn, cảng biển, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Xây dựng một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô tối thiểu từ 7 đến 8 ha...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41389102-%C3%B0ay-manh-phat-trien-nganh-thuong-mai-dich-vu.html