Ðẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Khảo sát cho thấy, có đến 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo đó, hơn 1.500 cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã diễn ra kể từ năm 2014 đến nay.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng LienViet Post Bank.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng LienViet Post Bank.

Rào cản tín dụng

Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% số DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, trong đó gần một phần ba không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng. Vốn tín dụng cho vay DNNVV của các tổ chức tín dụng (TCTD) mới chỉ chiếm hơn 18% tổng tín dụng nền kinh tế. "Các DNNVV hiện đang sử dụng 50% lực lượng của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các DNNVV hiện nay là thiếu vốn" - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Việt khẳng định.

Có nhiều nguyên nhân khiến DNNVV gặp nhiều khó khăn về vay vốn. Thế nhưng, theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, do DNNVV thường là những doanh nghiệp (DN) có độ rủi ro cao khi họ vừa bước chân vào thương trường, chưa có thị phần vững chắc, khả năng tài chính cũng rất hạn chế. Ðáng chú ý, họ không có tài sản thế chấp, do đó, khi đến với hệ thống ngân hàng, hầu như ngân hàng nào cũng đều từ chối.

Bên cạnh đó, cũng theo nhìn nhận của đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): chất lượng thông tin của các DNNVV còn thấp, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy hoặc không qua kiểm toán độc lập cho nên chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn trong xu thế minh bạch hóa thông tin như hiện nay. Các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả hoặc khách hàng không có kinh nghiệm đối với việc xây dựng phương án, lưu giữ chứng từ chứng minh mục đích vay, sổ sách thu chi... vì thế các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay và giám sát vốn vay.

Mặt khác, phần lớn các DNNVV cũng không đủ tài sản để thế chấp, giá trị bảo đảm thấp/tính pháp lý của tài sản không đầy đủ, trong khi tình hình tài chính và kinh nghiệm hoạt động không đáp ứng được điều kiện cho vay có bảo đảm của các TCTD. "Tuy nhiên hiện nay, trên cơ sở cân đối rủi ro, ngân hàng cho vay DN vẫn phải coi trọng vào giá trị tài sản bảo đảm, rất ít hạn mức tín chấp dành cho khách hàng, như tại khu vực trung du miền núi phía bắc hiện nay" – đại diện VietinBank cho biết thêm.

Kết nối để tìm tiếng nói chung

Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng, nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình kết nối để lắng nghe ý kiến của DN. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) Phạm Quốc Thanh, HDBank đã triển khai thường xuyên, liên tục hội thảo nông nghiệp nông thôn tại địa bàn tất cả các xã trực thuộc huyện, tỉnh, thành phố có trụ sở của HDBank và HDSaison. "Ðây được xem là cách làm sáng tạo của HDBank giúp người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận trực tiếp thông tin sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để từ đó lựa chọn ra một sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu của mình; thông qua chương trình này, HDBank và HDSaison góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi "tín dụng đen" ở nông thôn" - ông Phạm Quốc Thanh nêu rõ.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Lê Xuân Trung cũng cho biết, để mở rộng tín dụng, thời gian qua Agribank không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, giảm đến mức thấp nhất giấy tờ thủ tục, quy trình đơn giản, nhanh chóng… Bên cạnh đó, ngân hàng triển khai truyền thông sâu rộng đến DN và người dân hiểu biết về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn của Chính phủ ban hành theo Nghị định 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015. Ðây là chính sách của Chính phủ hỗ trợ DN và người dân thông qua hệ thống các TCTD cho vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng: Thông qua các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, từ đầu năm đến cuối quý II-2019, các TCTD đã giải ngân cho vay đạt gần 71.300 tỷ đồng cho hơn 4.400 DN và một số đối tượng khác. Các TCTD còn cơ cấu lại nợ cho một số DN trên địa bàn cả nước. Ðáng chú ý, tại nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai chương trình, gói tín dụng cho vay như BIDV triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới hơn 90 nghìn tỷ đồng; ACB triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô 11 nghìn tỷ đồng; VPB cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV như Chương trình cấp tín dụng dành cho khách hàng DNNVV không có tài sản bảo đảm, cấp tín dụng đối với DN có chủ là phụ nữ, chương trình ưu đãi xuất nhập khẩu;…

Từ năm 2014, NHNN đã phối hợp UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú nhấn mạnh: Ðây là một trong những diễn đàn gặt hái được nhiều thành công, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành ngân hàng và DN đã cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn, từ đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN về vốn, lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với DN, người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. "NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (nhất là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV…" – Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú lưu ý.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41653202-%C3%B0ay-manh-ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep.html