Ðẩy mạnh hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em

Thời gian qua, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Chính phủ và Bộ Công an quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là loại tội phạm mua bán trẻ em.

Tại các địa phương, Công an các cấp đều bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện công tác này. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2011 đến hết quý III năm 2018, toàn quốc xảy ra 3.243 vụ mua bán người, liên quan đến 4.731 đối tượng, lừa bán 7.147 nạn nhân. Trong đó, có 407 vụ mua bán người dưới 16 tuổi (gọi tắt là mua bán trẻ em), với 788 đối tượng, lừa bán 868 trẻ em. Các vụ mua bán trẻ em xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp dưới các hình thức như: Bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để mua bán; đánh tráo, bắt cóc, mua bán trẻ sơ sinh; mua bán trẻ trong bào thai; mua bán trẻ dưới dạng cho, nhận con nuôi, đẻ thuê…

Lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá và xét xử 387 vụ, bắt 749 đối tượng phạm tội mua bán trẻ em. Lực lượng công an, viện kiểm sát và tòa án các cấp đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ và lựa chọn các vụ án điểm để điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều địa phương đưa ra xét xử công khai, lưu động các vụ án mua bán trẻ em nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người dân và răn đe tội phạm, với các bản án nghiêm khắc trừng trị kẻ phạm tội.

Ðơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 7-2018, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Giàng Văn Thắng, sinh năm 1994, ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và Trịnh Thị Thu Huyền, sinh năm 1977, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, về hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Trước đó, cơ quan chức năng tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân Tẩn Thị M., dân tộc Dao, sinh năm 2004, trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, về việc bị một số đối tượng trong đó có tên Thắng, người cùng xã lừa bán sang Trung Quốc.

Theo lời khai của nạn nhân M., cuối tháng 4-2018, M. bị đối tượng Thắng và một phụ nữ lừa đưa M. và một bạn nữ cùng tuổi sang Trung Quốc bán vào ổ mại dâm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã bắt giữ đối tượng Giàng Văn Thắng và phối hợp lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ đối tượng Trịnh Thị Thu Huyền. Tại Ðồn Biên phòng Bát Xát, Giàng Văn Thắng khai nhận, đã cấu kết với một số đối tượng khác lừa bán năm phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc. Ðối tượng Huyền khai nhận là chủ kinh doanh mại dâm ở thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc, cho nên đã cấu kết với Thắng cùng một số đối tượng tìm phụ nữ để mua, sau đó bán vào sâu nội địa Trung Quốc.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trẻ em trong độ tuổi vị thành niên, sống ở vùng sâu, vùng xa, các vùng giáp ranh, biên giới, khó khăn về kinh tế, hoặc những trẻ em lang thang, thiếu sự quản lý của gia đình luôn là đối tượng của tội phạm mua bán người. Bởi lẽ, nhóm người này thường có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết và khát khao được đổi đời nhanh chóng cho nên hay lầm tin vào các đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều. Các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn chậm, chủ yếu hỗ trợ nạn nhân thông qua giải cứu hoặc trao trả.

Thực tế trong quá trình phá các vụ án nhận thấy, ngăn chặn nạn mua bán người là nhiệm vụ khó khăn với cơ quan chức năng, bởi tội phạm mua bán người được xác định là tội phạm ẩn, chỉ khi có bị hại được giải cứu, hoặc trốn thoát tố giác với cơ quan công an, thì mới được điều tra làm rõ. Nhiều trường hợp, những nạn nhân trở về, vì xấu hổ, mặc cảm với mọi người nên đã chấp nhận im lặng và để những tên tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, sự phát triển của mạng xã hội, các chính sách thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, đã khiến loại tội phạm này càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi và khó lường hơn. Ðể giảm nạn mua bán người, không cách nào hiệu quả hơn, là sự tỉnh táo, nhận thức ngay từ cơ sở và sự chung tay, quyết liệt của cộng đồng và các cơ quan chức năng.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống nạn mua bán trẻ em, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người qua ba giai đoạn và hiện nay đang tổ chức thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Về hợp tác song phương để ngăn chặn nạn mua bán trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã ký và triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định hợp tác với Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan, Trung Quốc và nhiều điều ước quốc tế khác…

NGỌC QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/38769302-%C3%B0ay-manh-hieu-qua-phong-chong-toi-pham-mua-ban-tre-em.html