Ðẩy mạnh dịch thuật, quảng bá văn học Việt Nam

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức ra mắt tập thơ 'Tương lai được viết trên đá cổ' của nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn (Cô-lôm-bi-a). Cùng với những hoạt động sôi nổi diễn ra từ đầu năm nay, có thể thấy câu chuyện dịch thuật văn học nước ngoài và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực dù còn nhiều khó khăn.

Nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn (người đứng bên trái) tại buổi ra mắt tập thơ "Tương lai được viết trên đá cổ".

Những tín hiệu khả quan

Cuối tháng 4-2018, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn dịch và phát hành tập thơ "Sự thật đặt tên tôi" của nhà thơ Cu-ba An-tô-ni Ghê-rê-rô Rô-đri-ghết. Vừa qua, đơn vị này tiếp tục phát hành tập thơ "Tương lai được viết trên đá cổ" của nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn đến từ Cô-lôm-bi-a. Ðây là cuốn sách được tuyển chọn từ năm tập thơ của ông, khẳng định những trải nghiệm thi ca về tình yêu, tinh thần giải phóng con người, hướng tới một tương lai hòa bình, tốt đẹp. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn nhấn mạnh: "Ðộc giả có thể hình dung ra một đất nước mà một bên là bóng tối của ma túy, bạo lực và một bên là ánh sáng của thi ca và cái đẹp. Nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn đã dùng thi ca để đấu tranh cho những điều tốt đẹp". Trao đổi cùng chúng tôi, ông cho biết, hoạt động dịch thuật văn học nước ngoài và nhất là quảng bá văn học trong nước đang được Hội Nhà văn và NXB của Hội chú ý. NXB Hội Nhà văn đã gửi công văn cho một số đại sứ quán với mong muốn dịch những tác phẩm tốt nhất của đất nước họ tới bạn đọc Việt Nam. "Ðã một thời gian dài chúng ta không dịch văn học thế giới. Chúng tôi nhất định sẽ tiến hành song song hoạt động này với quảng bá văn học nước nhà. Những nền văn học đặc trưng, chưa từng hoặc ít có tác phẩm xuất hiện ở ta cũng rất cần được quan tâm. Là một thành viên thuộc Hội Nhà văn Á Phi - Mỹ la-tinh, tôi nghĩ để làm tốt công việc này, các NXB cần coi đó như sự hứng khởi và trách nhiệm lớn lao. Ngoài việc dịch sách, cũng cần xuất bản thêm chuyên đề giới thiệu tác phẩm hay, mới của các nền văn học mà độc giả trong nước ít có cơ hội tiếp cận", ông Nguyễn Quang Thiều nêu giải pháp.

Cách đây vài năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp cùng một công ty truyền thông của Nhật Bản dịch tập thơ mang tên "Mười thế kỷ thơ chiến tranh Việt Nam" có nội dung, tư tưởng về khát vọng một nền hòa bình, những điều chia sẻ, tốt đẹp. Sau khi phát hành, tác phẩm này được đánh giá cao tại Nhật Bản. Hội Nhà văn Cô-lôm-bi-a cùng trung tâm dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Tây Ban Nha, phát hành ở các nước Mỹ la-tinh. Chưa kể, nhiều NXB và cá nhân người sáng tác hiện nay cũng rất nỗ lực đưa những tác phẩm văn chương đương đại ra nước ngoài qua con đường dịch thuật. Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm xứng đáng được thế giới biết đến; có nhiều nước khi chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam nhưng công chúng đã biết đến Việt Nam thông qua tác phẩm văn học. Ðó là một thực tế được nhiều nhà văn khẳng định, tự hào.

Không chấp nhận sự dễ dãi

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Ðăng Khoa chia sẻ: Gần đây, quá trình xuất bản văn học dịch khá tốt, góp phần mở ra cánh cửa để chúng ta tiếp cận thế giới văn học rộng lớn hơn. Mảng dịch của chúng ta đã kịp thời, nhanh nhạy, giúp độc giả không biết ngoại ngữ cũng không bị lạc hậu. Theo dõi thị trường sách, có thể thấy các tác phẩm gây tiếng vang trên văn đàn thế giới, vừa được trao giải thưởng lớn đã được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều bản dịch của các NXB khác nhau với chất lượng dịch khá tốt. Bên cạnh đó, quá trình quảng bá văn học trong nước cũng được chú ý hơn. Phía Hội Nhà văn Việt Nam đã có các hoạt động cụ thể, trong đó đẩy mạnh vai trò của NXB Hội Nhà văn, Trung tâm dịch văn học…

Về khó khăn, nhà thơ Trần Ðăng Khoa khẳng định, mảng dịch thuật, nhất là thơ ca là công việc đầy khó khăn, nhọc nhằn mà nếu hời hợt, vụ lợi sẽ dẫn đến nhiễu loạn đời sống văn học. "Một nguyên tác hay, một bản dịch tốt sẽ mãi như hai tấm gương soi vào, tôn vinh nhau trong câu chuyện văn chương đầy ý nghĩa. Ðể có một bản dịch hay, người dịch cần đạt được ba yếu tố: Giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt và có tài văn chương. Thực tế, có nhiều bản dịch không hay, thậm chí tối nghĩa, có những NXB dịch ẩu vì lợi nhuận, kiểm duyệt lỏng lẻo... Dịch thuật là yếu tố "trung gian" quan trọng, cho nên nếu đội ngũ này không "trung" mà lại "gian" thì không có kết quả tốt đẹp". Năm qua, hai tập thơ nước ngoài được NXB Hội Nhà văn phát hành đều do dịch giả Phạm Long Quận dịch. Ông đồng thời là người dịch nhiều tác phẩm văn học trong nước ra tiếng Tây Ban Nha. Ngoài việc tiếp xúc qua tác phẩm văn học thì thời gian, công sức, tình cảm của dịch giả này đối với giới văn nghệ sĩ còn được thể hiện qua những mối liên hệ cuộc sống. Thí dụ, trước khai mạc Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam năm 2015, ông đã đưa nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn cùng các nghệ sĩ nước ngoài về thăm làng Chùa - ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội có truyền thống văn chương lâu đời. Bài thơ "Việt Nam" của nhà thơ Phéc-nan-đô Ren-đôn xuất hiện trong tập thơ "Tương lai được viết trên đá cổ" với hình ảnh người nông dân cày cuốc trên cánh đồng làng, cánh đồng chữ nghĩa là kết quả của chuyến đi ấy. Ðó như một thí dụ nhỏ chung quanh câu chuyện lớn về dịch thuật, quảng bá văn học.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38416602-%C3%B0ay-manh-dich-thuat-quang-ba-van-hoc-viet-nam.html