Ðẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Bình quân hằng năm thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm cho hơn 295 nghìn lượt lao động, số việc làm mới là hơn 124 nghìn lượt. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng được kéo giảm, dự ước năm 2019: 3,7%; năm 2020: dưới 3,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố khóa 10 đã đề ra.

Sau 10 tháng năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã giới thiệu việc làm cho 127.867 trong tổng số 155.000 lượt người (đạt 82,49% kế hoạch năm); số người nhận việc là 72.252 trong tổng số 87.000 người (đạt 82,05% kế hoạch năm). Số bộ đội xuất ngũ nhận được việc làm tính đến hết tháng 8 là 480 người. Thu thập thông tin cung ứng lao động tại các trường đại học, cao đẳng, trung học các trường nghề và lao động tự do có nhu cầu tìm kiếm việc làm; gắn kết phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, ban chỉ huy quân sự các quận, huyện thu thập thông tin bộ đội xuất ngũ, khu chế xuất, khu công nghiệp, thông tin về nhu cầu lao động trên địa bàn, kết nối cung cầu lao động giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Hiện nay, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, nhu cầu của xã hội; vẫn còn tình trạng thiếu lao động tại một số thời điểm, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề trọng yếu; năng lực phân tích dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa toàn diện. Nguyên nhân chính là do nguồn cơ sở dữ liệu phân tán, khó thu thập, từ đó xử lý chưa đồng bộ và toàn diện, nhất là dự báo dài hạn; một số chính sách liên quan hỗ trợ lao động dịch chuyển chưa cụ thể.

Ðể giải quyết khó khăn bước đầu về nguồn lao động chất lượng, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố luôn tư vấn cho người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn nghề học phù hợp nhu cầu; đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, cố gắng đa dạng hóa ngành nghề phù hợp yêu cầu của người sử dụng lao động. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề lái xe B2 cho 900 học viên (đạt 75% kế hoạch năm); tin học cho 920 học viên (đạt 83,64% kế hoạch năm); nghiệp vụ bán hàng cho 2.525 học viên (đạt 101% kế hoạch năm). Ngoài ra, Trung tâm còn đào tạo học tiếng Hàn Quốc giao tiếp, tiếng Anh giao tiếp trong bán hàng… cho người lao động có nhu cầu. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn, cho biết: Ðể thành phố có nguồn nhân lực đủ trình độ, chuyên môn cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao và các trường công lập được quy hoạch nghề trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy các trường này đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngang với các trường trong khu vực và quốc tế; giao quyền chủ động cho thành phố trong phân bố và triển khai thực hiện kinh phí Chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm giai đoạn 2020 - 2025 với các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng: Ðào tạo nhân lực quốc tế tại thành phố vẫn còn những mặt hạn chế, như nguồn tuyển sinh viên gặp nhiều khó khăn do không đủ trình độ tiếng Anh để theo học các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Số lượng các chương trình liên kết còn triển khai khá ít, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường đại học. Mặt khác, trong thực tiễn do chưa có một khuôn khổ, định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục đại học, cho nên hầu hết các trường đại học Việt Nam đang cố gắng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong liên kết đào tạo với nước ngoài…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, với sự cần thiết của nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế, thành phố cần có một chương trình đồng bộ để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc trong vòng 10 năm tới. Chủ tịch UBND thành phố cân nhắc có thể thành lập hội đồng tư vấn gồm 10 người trong nước, 10 người nước ngoài để triển khai đồng bộ. Ngoài ra, cần có cơ chế tài chính, chẳng hạn vào trường chất lượng cao phải trả học phí cao, không để học phí là bài toán khó đối với những người học trường này, nếu cần có chương trình cho vay; phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề, nhu cầu của từng trường; trường nào có nhu cầu gì thì tham gia nhóm đó. Thí dụ, có trường tăng tốc nâng cao đào tạo tiếng Anh, đào tạo giáo viên; hợp tác để triển khai các môn học và chương trình đào tạo quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, đối tác với nhau; hợp tác để kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác để nâng cao trình độ quản lý, phương pháp quản lý của nhà trường; hợp tác trong nhận chuyển giao công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42319702-%C3%B0ay-manh-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html