Ðẩy mạnh chương trình đào tạo quản lý dịch hại tổng hợp

Khởi điểm từ năm 1992, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được xây dựng bởi sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Khởi điểm từ năm 1992, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được xây dựng bởi sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Thông qua chương trình, người dân nắm bắt được các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp an toàn, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật.

Hiệu quả thiết thực cho nhà nông

Trước đây, chị Nguyễn Thị Hoài, xã Ðại Ðồng, huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) trồng lúa chủ yếu theo kinh nghiệm. Trong quá trình canh tác, chị vẫn có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phun cho lúa mỗi khi phát hiện có sâu bệnh. Sau khi tham gia khóa học về IPM do địa phương tổ chức, tư duy sản xuất của chị đã thay đổi. Chị Hoài chia sẻ, thời gian khóa tập huấn được kéo dài bằng một vụ sản xuất lúa. Trong khóa huấn luyện, chúng tôi được học lý thuyết kết hợp thực hành trực tiếp trên đồng ruộng về những kỹ năng như: kỹ thuật làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nhờ vậy, sau khóa học, người dân đã biết cách nhận biết, phát hiện sâu bệnh và tự đưa ra biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời; biết cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng môi trường. Số lần phun thuốc BVTV giảm đáng kể, điều này vừa góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, tiết kiệm chi phí.

Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía bắc Dương Thị Ngà cho biết, từ nhiều năm qua, IPM được ứng dụng rộng rãi trên nhiều loại cây trồng, nhất là cây lúa mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tôi lấy thí dụ, khi chưa được tập huấn các kiến thức về IPM trên lúa, thường từ bảy đến 10 ngày sau khi cấy, người dân ở nhiều địa phương sẽ phun thuốc BVTV phòng, trừ sâu bệnh cho cây trong khi giai đoạn này chưa phải phun. Một số trường hợp lại can thiệp quá muộn, chẳng hạn như đối với sâu cuốn lá nhỏ hại lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, người nông dân nhìn thấy có một số bao cuốn mới phun diệt trừ thì thời điểm này đã quá muộn, lúc này, sâu đã lớn tuổi, hóa nhộng cho nên việc phun thuốc không đạt hiệu quả. Sau khi được trang bị các kiến thức về IPM, bà con hiểu được từng giai đoạn sinh trưởng của cây, từ đó có thể tự đưa ra quyết định xử lý sâu bệnh hại trên thửa ruộng đó cũng như biết cách lựa chọn loại thuốc nào là phù hợp.

Nói về hiệu quả của IPM, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Quốc Doanh khẳng định, đã là cây trồng thì phải sử dụng vật tư nông nghiệp, trong đó có hai thành phần rất quan trọng là phân bón và thuốc BVTV. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm sao để vừa nâng cao năng suất, vừa bảo đảm chất lượng cây trồng và quan trọng nhất là bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Ðể giải quyết yêu cầu này, IPM - Quản lý dịch hại tổng hợp đã ra đời. Các khóa đào tạo về IPM truyền tải được những tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân, đáp ứng tiêu chí đầu tư ít nhưng mang lại gia tăng lợi nhuận; giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc BVTV, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mở rộng chương trình đào tạo giảng viên IPM

Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, từ năm 1992 đến nay, cả nước có 2.670 cán bộ được đào tạo qua các lớp đào tạo giảng viên IPM (TOT). Hiện nay, do hầu hết các cán bộ được đào tạo qua những khóa đầu đã về hưu hoặc chuyển công tác, không trực tiếp tham gia giảng dạy vì vậy thiếu hụt rất nhiều giảng viên IPM. Một số tỉnh hiện nay không còn giảng viên IPM như: Lai Châu, Hà Nam, Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Ðắk Lắk,…

Trải qua một thời gian tạm lắng, đến năm 2015, Bộ NN và PTNT đã xây dựng lại đề án phát triển IPM, dựa vào nguồn nhân lực đã được đào tạo căn cơ, bài bản trước đây để truyền đạt lại cho các học viên mới. Vừa qua, Cục BVTV đã tổ chức hai lớp đào tạo IPM tại phía nam và phía bắc, mỗi lớp dự kiến kéo dài trong 105 ngày cung cấp đầy đủ những kiến thức chuyên môn, kỹ năng huấn luyện cho nông dân. Sau khóa học, trở về đơn vị công tác, các học viên sẽ là những giảng viên IPM tham gia đào tạo giảng viên IPM và huấn luyện nông dân góp phần mở rộng và phát triển Chương trình IPM tại địa phương.

Cục trưởng BVTV Hoàng Trung cho rằng, để phù hợp xu thế sản xuất mới, Cục BVTV đã kết hợp với tổ chức FAO xây dựng lại khung chương trình cho các lớp đào tạo giảng viên IPM, cũng như lớp đào tạo nông dân tham gia thí nghiệm. Hiện nay có rất nhiều vấn đề mới cần cập nhật và thay đổi. Theo đó, các nội dung, chương trình thí nghiệm mới nhất được đưa vào đào tạo. Ðối với chương trình IPM của lớp giảng viên cũng được bổ sung thêm 12 chuyên đề thiết thực nhất.

Các chuyên đề này vừa mang tính bao quát, vừa mang tính xu thế bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững. Làm sao để sản phẩm đầu ra đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và mang lại giá trị cao. Dự kiến, thời gian tới sẽ mở thêm nhiều lớp đào tạo giảng viên ở các địa phương khác và mở rộng ra nhiều loại cây trồng chủ lực.

Minh Huệ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ay-manh-chuong-trinh-dao-tao-quan-ly-dich-hai-tong-hop--619536/