Ðẩy lùi, triệt xóa 'tín dụng đen' tại Tây Nguyên

Gần đây, cho vay nặng lãi hay còn gọi là 'tín dụng đen' đã trở thành vấn nạn tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa do vay số tiền lớn, lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ đã bị các đối tượng hăm dọa, tịch thu phương tiện, mất nhà, mất đất, rơi vào cảnh khốn cùng.Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an.

Tờ rơi quảng cáo "tín dụng đen" dán khắp buôn làng.

Tờ rơi quảng cáo "tín dụng đen" dán khắp buôn làng.

Gần đây, cho vay nặng lãi hay còn gọi là "tín dụng đen" đã trở thành vấn nạn tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa do vay số tiền lớn, lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ đã bị các đối tượng hăm dọa, tịch thu phương tiện, mất nhà, mất đất, rơi vào cảnh khốn cùng.Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an.

BÀI 1: "Vòi bạch tuộc" vươn tận buôn làng

Một bộ phận người dân gặp sự cố trong cuộc sống, cần khoản vốn nhỏ để khắc phục nhưng không đủ điều kiện vay tại các kênh cung ứng tín dụng theo quy định của pháp luật cho nên đã tìm đến các cơ sở "tín dụng đen" để vay tiền hoặc ký nợ vật tư nông nghiệp, thực phẩm... Họ đã trở thành con mồi dễ dàng sập bẫy khi các đối tượng này đáp ứng cho vay nhanh chóng, "thủ tục" đơn giản.

Người nghèo "sa bẫy"

Những ngày cuối tháng 6-2020, không khí bức bối bao trùm lên buôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng). Hệ lụy từ "tín dụng đen" khiến nhiều gia đình nơi đây lâm cảnh nợ nần chồng chất. Chúng tôi ghé nhà ông Rơ Ông K’Gust, người đang "ôm" khoản nợ lớn. Từ khoản vay "nóng" vào năm 2012, số tiền 30 triệu đồng, cộng hai lần vay thêm 20 triệu đồng; sau bốn năm, gia đình ông buộc phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến 416 triệu đồng; tất cả "chứng từ" đều viết tay, do chủ nợ giữ. Ông K’Gust đã mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thế chấp ngân hàng, vay được 250 triệu đồng để trả nợ. "Khi biết gia đình tôi vừa vay tiền, chủ nợ (ông bà H.M, phường 7, TP Ðà Lạt) liền đến nhà đòi và dùng lời đe dọa. Tôi nói, chỉ vay được từng đó, xin được trả để xóa nợ; nhưng họ đòi thêm một lô đất nữa…", ông K’Gust nói. Cùng cảnh ngộ, bà K’Lim, em gái ông K’Gust cũng thế chấp hai sổ đỏ cho ông bà H.M để vay 160 triệu đồng, qua nhiều lần trả cả gốc lẫn lãi, số tiền nợ cuối cùng được "chốt" là 200 triệu đồng…

Bà H’Bét Knul, ở buôn Knul (xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Ðắk Lắk) kể: "Cần một khoản tiền để đầu tư sản xuất, tôi vay mượn họ hàng, ngân hàng mãi không được. Tháng 9-2018 tình cờ nhặt được một tờ rơi quảng cáo "cho vay trả góp lãi suất thấp", tôi liền gọi điện thoại và khoảng 30 phút sau có hai thanh niên đến tận nhà cho tôi vay 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày trả 750 ngàn đồng, lãi suất 180%/năm. Do số tiền lớn, nhiều hôm không trả lãi kịp, các đối tượng đe đọa, đánh đập. Không có tiền trả, họ về siết nhà cửa, đất đai…".

Chị Nay H’Thoa ở buôn Liết (xã Chư Ðrăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đang phải oằn lưng trả món nợ từ thời ông bà nội. Chuyện bắt nguồn từ việc ông bà chị vay phân bón trồng mì, nợ tiền cày đất, vay gạo ăn chờ đến mùa thu hoạch. Cứ đến cuối vụ, thu được bao nhiêu mì chủ nợ đến chở về hết nhưng mãi không trừ được nợ. Tiền vay gốc cộng tiền lãi cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, ông bà chị H’Thoa chết rồi mà nợ vẫn còn. Ðến đời bố mẹ chị tiếp tục trả, đành gán 4 ha đất cho chủ nợ mà vẫn chưa hết nợ. Nhà ông Nay Nam (buôn Ơi Múi, xã Chư Gu, Krông Pa) cũng vậy.Ban đầu ông vay 4 triệu đồng cùng một số tiền đầu tư vào cây mì. Ðến nay, số tiền nợ đã lên đến gần 200 triệu đồng. Gia đình đã gán 4.000 m2 rẫy cho chủ nợ nhưng không đủ cho nên đầu năm nay bị siết thêm 9 con bò…

Chị H’Bhuốt Niê, ở buôn Phơng (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk) chưa hết bàng hoàng khi gia đình bị xã hội đen đến nhà siết nợ. Tháng 7-2018, hoàn cảnh khó khăn, chị đã mang sổ đỏ của gia đình đến một đại lý tín dụng trên địa bàn thế chấp vay 10 triệu đồng. Tháng 11-2018, chị muốn lấy lại sổ đỏ cho nên đã nhờ một người quen trong buôn giới thiệu chỗ vay "nóng" bên ngoài. Người này nhờ chị H’Bhuốt cho mượn chung sổ đỏ vay thêm 30 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng. Sau đó, chị được người này đưa gặp một nhóm người cho vay tiền. Tin lời người quen, chị đã điểm chỉ vào tờ giấy vay nợ mà không hề biết bên trong ghi những nội dung gì. Ba tháng sau, hai người lạ cầm theo giấy vay tiền có điểm chỉ vân tay của chị H’Bhuốt đến yêu cầu gia đình trả 30 triệu đồng nợ gốc cùng 15 triệu đồng tiền lãi. Các đối tượng đe dọa, nếu sau một tuần chị không có tiền trả nợ thì phải bán nhà, tài sản, nếu không cả nhà sẽ bị giết. Vì quá sợ hãi, vợ chồng H’Bhuốt và ba con nhỏ đã bỏ trốn…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk) Lục Thị Huệ phản ánh: Những năm gần đây, trên địa bàn xã có một số gia đình do cuộc sống khó khăn nên đã vay "tín dụng đen", lãi mẹ đẻ lãi con khiến số tiền nợ tăng nhanh đẩy cuộc sống của họ vào con đường bế tắc. Theo ông Ksor Dák, Trưởng thôn Wôr (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), cả thôn có 155 hộ thì có hơn 100 hộ vay "tín dụng đen". Vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng vì người dân cần tiền để trang trải nhu cầu thiết yếu cho nên buộc phải vay. Các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa chiếm đoạt ruộng đất. Ông Nay Nguyên, Trưởng thôn H’Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) cho biết, bà con hầu hết không biết chữ, chủ nợ ghi bao nhiêu thì biết vậy; nhiều người ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí chữa bệnh, năm này qua năm khác dẫn đến không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi…

Núp bóng dưới nhiều hình thức

Chứng minh về thủ đoạn của các đối tượng "tín dụng đen", Thiếu tá Ðỗ Văn Chính, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) cung cấp một vụ việc điển hình: Từ tháng 7-2016, Nguyễn Thị Thu (trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) cho vay tiền bằng hình thức thế chấp bìa đỏ, nhưng thực chất là lừa chuyển nhượng đất của 16 hộ DTTS trong xã Hbông. Trong số này, có 12 sổ đỏ của các hộ dân đã hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ cho Nguyễn Thị Thu và những người Thu nhờ đứng tên. Cơ quan Ðiều tra cũng xác định, có năm sổ đỏ của các hộ sau khi sang qua tên người khác đã bị Thu đem thế chấp ngân hàng vay 4,45 tỷ đồng. Ðiều đáng nói, mặc dù các mảnh đất nói trên đã không còn thuộc quyền sở hữu của những người thế chấp nhưng họ vẫn phải nai lưng trả lãi vay cho Thu theo mức cam kết 0,9%/ tháng. Ông Kpă Lah (làng Kte 2, xã Hbông) là một trong những nạn nhân của vụ chiếm đoạt này. Ông đã vay Nguyễn Thị Thu 65 triệu đồng với thời hạn 5 năm, lãi suất 9.000 đồng/một triệu đồng/tháng. Ðiều kiện là ông Lah phải đưa sổ đỏ của 1,5 ha vườn cho Thu, khi nào hết nợ thì sẽ trả lại. Thu yêu cầu vợ chồng ông đến văn phòng công chứng lăn tay vào giấy tờ cho mượn thì mới giao tiền. Tương tự, ông Rmah Ưih (làng Kte 2, xã Hbông) cũng chẳng chút do dự khi giao toàn bộ giấy tờ mảnh đất hơn 3,2 ha cho Thu để vay 40 triệu đồng, lãi suất 9.000 đồng/một triệu đồng/tháng... Mãi cho đến khi phát hiện ra thì mảnh đất thế chấp của hai người nói trên đã chuyển quyền cho Nguyễn Thị Thu...

Tất cả các giao dịch vay và cho vay chỉ bằng giấy viết tay, do chủ nợ giữ. Việc vay, hay trả chỉ có chủ cho vay ghi sổ, người vay mù mờ với khoản nợ của mình. Phó Chủ tịch UBND xã Lát (Lạc Dương, Lâm Ðồng) Trần Ðình Thể cho biết: "Hễ người dân cần tiền, cần phân bón là có người cho vay không cần thế chấp. Vay, nhưng người dân không được giữ giấy vay, không có chứng cứ để xử lý". Một số người dân đã từng vay tiền "tín dụng đen" ở huyện Ðăk Hà (Kon Tum) cũng nói, vay tiền rất dễ, không cần thế chấp, chỉ cần ký giấy là nhận được tiền. Cũng tại Kon Tum, vừa qua Công an tỉnh kiểm tra và phát hiện trên địa bàn tỉnh có chín công ty tài chính đang hoạt động đã đăng ký ngành nghề; 13 cơ sở với khoảng 50 đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng. Các đối tượng liên quan "tín dụng đen" thường núp dưới vỏ bọc kinh doanh như cơ sở cầm đồ, công ty tài chính... Hoạt động cho vay thường diễn ra bí mật ở nhiều địa điểm để che giấu các giao dịch, giấy tờ liên quan. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, biến tướng việc vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc ép người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc, lập hợp đồng thuê xe giả...

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tình trạng hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, lôi kéo người dân vay tiền. Ðể né tránh pháp luật, trong các giấy tờ vay tiền, các đối tượng không ghi lãi suất vay, hoặc chuyển qua hình thức lập giấy mượn tiền, hợp đồng mua bán tài sản, thỏa thuận bằng lời nói. Các đối tượng thu hồi nợ vay và lãi suất với nhiều hình thức nhằm xóa dấu vết… Ði cùng hoạt động "tín dụng đen" là các băng nhóm đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản… Ðó là các đối tượng có tiền án, tiền sự, sẵn sàng xâm hại đến thân thể, tính mạng hoặc làm tổn hại tinh thần người khác. Ðánh vào tâm lý người dân cần vay tiền ngân hàng, chúng hù dọa bắt họ ký nhận nợ, thế chấp tài sản, nếu không sẽ đưa vào danh sách đen của ngân hàng thì không có thể vay ở bất cứ nơi nào nữa. Chúng còn tìm ra Facebook cá nhân từ đó rêu rao, gửi tin nhắn đến bạn bè người vay để tạo áp lực trả nợ… Thí dụ, tại huyện Ðăk R’lấp (tỉnh Ðắk Nông) có công ty đòi nợ thuê là Công ty Tử Long và Công ty Mua bán nợ Kim Ngân, địa chỉ tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Ðắk Nông đến hoạt động với hình thức như đòi nợ thuê. Cụ thể, sau khi cho vay chủ nợ không thu hồi được tiền gốc và lãi vay cho nên đã bán nợ cho các công ty nêu trên, công ty đòi nợ sử dụng các đối tượng giang hồ đe dọa, dùng vũ lực buộc người vay phải trả nợ…

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý (Công an tỉnh Ðắk Lắk), mặc dù đã đấu tranh triệt xóa hàng chục nhóm, hàng trăm đối tượng liên quan hoạt động "tín dụng đen", đơn vị cũng đã củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ nhưng vẫn rất khó đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự. "Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mức hình phạt cao nhất với hành vi này là ba năm tù giam. Ðây là tội phạm ít nghiêm trọng, mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay thì cơ quan điều tra chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn từ tội nghiêm trọng trở lên, chứ tội ít nghiêm trọng chúng tôi có đề nghị bắt tạm giam thì viện kiểm sát cũng không phê chuẩn. Nếu chỉ cho vay lãi nặng thì không thể bắt giam được", Thượng tá Nguyễn Văn Quý cho hay. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng không có thế chấp tài sản. Các đối tượng hoạt động tinh vi, khi cho vay họ chỉ ghi số tiền gốc cho vay trong hợp đồng mà không ghi lãi suất; có trường hợp làm hợp đồng nhờ mua tài sản hoặc cho vay bằng miệng, không thế chấp giấy tờ, số tiền vay và lãi suất chỉ qua thỏa thuận. Do vậy, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, họ không thừa nhận cho vay lãi nặng nên rất khó trong việc xử lý…

(Còn nữa)

BIỂU LÝ HÒA và YÊN BẢO THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ay-lui-triet-xoa-tin-dung-den-tai-tay-nguyen--607972/