Axit benzoic trong tương ớt Chinsu được đưa vào nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam

Dư luận đang xôn xao trước thông tin hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu vào Nhật Bản và bị yêu cầu thu hồi vì có chứa chất bảo quản axit benzoic. Tuy nhiên ở Việt Nam, chất phụ gia này vẫn được phép sử dụng để chống mốc và kháng vi sinh trong thực phẩm.

 Hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu vào Nhật Bản và bị yêu cầu thu hồi vì chứa chất cấm

Hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu vào Nhật Bản và bị yêu cầu thu hồi vì chứa chất cấm

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, axit benzoic thuộc nhóm chất bảo quản chống nấm mốc. Axit benzoic có thể tác động đến hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Theo ông Thịnh, trên thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Codex) cho phép sử dụng axit benzoic để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm.

Ông Thịnh phân tích, sở dĩ Ủy ban Codex chỉ cho phép đưa 0,1% axit benzoic vào thực phẩm vì axit benzoic cũng như bất kỳ chất hóa học nào dùng trong thực phẩm đều có hại khi nồng độ, hàm lượng vượt ngưỡng cho phép.

“Khi axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt” – ông Thịnh cho biết.

Cũng theo ông Thịnh, nếu quy định của Nhật Bản cấm tuyệt đối chất bảo quản axit benzoic thì việc sản phẩm tương ớt Chinsu chứa chất này bị thu hồi là đương nhiên. Tuy nhiên ở nước ta vẫn cho phép sử dụng chất phụ gia này với công dụng bảo quản kháng vi sinh trong thực phẩm.

Tại Việt Nam, phụ gia axit benzoic được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

“Với công bố của Nhật Bản về hàm lượng axit benzoic có trong tương ớt Chinsu lần lượt là 0,41g/kg, 0,44g/kg và 0,45g/kg (tương đương 0,4 phần nghìn) thì vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép của sản phẩm theo quy định tại Việt Nam” – ông Thịnh nói.

Thông tin báo chí của Công ty Massan về việc 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản

TS. Vũ Minh Giang, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ lâu các nhà khoa học đã chứng minh, axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene.

Benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày.

Ông Thái Văn Đức, kỹ sư ngành công nghệ hóa thực phẩm cho biết, trên thế giới có nhiều nước khuyến cáo không dùng hoặc quy định sử dụng rất nghiêm ngặt đối với chất phụ gia axit benzoic bảo quản thực phẩm. Đồng thời, tiêu chuẩn, quy định về liều lượng của mỗi nước cũng rất khác nhau, bởi vì nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, chất này sẽ có tác hại đối với cơ thể người dùng như gây suy gan, suy thận và ung thư…

Về việc Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu vì chứa chất axit benzoic, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Phong, cho hay, Cục này đang nhanh chóng làm rõ vụ việc trên.

Theo ông Phong, hiện Bộ Y tế chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Ông Phong cũng cho biết, axit benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Codex. Hiện nay có 186 nước theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên.

Tuy nhiên tiêu chuẩn chung như vậy, nhưng các thành viên của Codex, có nước cho phép, có nước tuyệt đối cấm. Cụ thể, theo Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật, axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Về nguy cơ nếu sử dụng phụ gia axit benzoic trong sản phẩm, ông Phong cũng cho rằng, nếu dùng quá hàm lượng cho phép, chất này sẽ gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng.

Về phía doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi, ngày 6/4, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan có thông cáo báo chí gửi tới truyền thông cho rằng, doanh nghiệp này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.

Masan cho biết hiện công ty không có mẫu sản phẩm nên "chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ"…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/axit-benzoic-trong-tuong-ot-chinsu-duoc-dua-vao-nhieu-loai-thuc-pham-o-viet-nam-161330.html