Australia trong 'cơn xoáy' những vụ bê bối tình dục

Dư luận xứ sở chuột túi đang bàn luận xung quanh báo cáo dài 162 trang (gọi tắt là báo cáo Red Zone) của nhóm vận động chấm dứt các vụ bạo hành trong môi trường đại học 'End Rape on Campus'. Bởi đây là lời cảnh báo tiếp về nạn bạo lực và quấy rối tình dục tại các trường đại học ở Australia.

Sinh viên Australia vận động chống nạn quấy rối và tấn công tình dục trong trường đại học

Phó hiệu trưởng trường Đại học Sydney Michael Spence cũng coi đây là thực trạng đáng quan ngại vì nó đã tồn tại quá lâu trong môi trường đại học.

Theo báo cáo Red Zone (thực hiện với tân sinh viên vừa kết thúc tuần học định hướng trước khi chính thức bắt đầu các khóa học chính tại 12 trường đại học ở Australia), các tân sinh viên tại hầu hết các trường đại học lớn ở Australia đều phải đối mặt với hình thức bạo lực kiểu ma cũ bắt nạt ma mới, thậm chí là quấy rối và tấn công tình dục.

Và báo cáo kể trên (kể lại chi tiết nhiều vụ bạo lực, bắt nạt và lạm dụng) xuất hiện trong bối cảnh giới chức Australia đang kêu gọi hình sự hóa những hành động bạo lực học đường để bảo vệ nạn nhân. Không chỉ có báo cáo Red Zone, cả giới chức Australia cũng nhiều lần cảnh báo về tỷ lệ bạo lực theo hình thức bắt nạt hoặc quấy rối tình dục đang ở mức cao bất thường tại các trường đại học ở nước này. Điều đáng nói là nhiều nạn nhân trong những năm đầu lại trở thành thủ phạm trong các vụ việc ở những năm học sau.

Theo thống kê của hãng CNN, hiện có hơn 1 triệu sinh viên đang theo học ở các trường đại học tại Australia, trong đó hơn 270.000 sinh viên quốc tế. Và theo kết quả nghiên cứu được công bố hồi tháng 8/2017 (được thực hiện bởi Ủy ban Nhân quyền Australia), có hơn 50% sinh viên đại học tại Australia bị quấy rối tình dục trong năm 2016 và 7% bị lạm dụng ít nhất một lần.

Có 1/3 các vụ quấy rối tình dục xảy ra ở địa điểm liên quan đến trường đại học như khuôn viên, đường đi từ nhà tới trường, các sự kiện do trường tổ chức hoặc bảo trợ. Và 1/5 các vụ tấn công tình dục được báo cáo xảy ra ở trường đại học hay các sự kiện xã hội liên quan đến học đường. Khảo sát cũng cho thấy tỉ lệ bị quấy rối và tấn công tình dục ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 3 lần. Để đưa ra công bố kể trên, Ủy ban Nhân quyền Australia đã lấy ý kiến của hơn 30.000 sinh viên tại 39 trường đại học ở Australia.

Một nạn nhân lên tiếng tố cáo và kêu gọi đảm bảo an toàn cho sinh viên nữ ở trường đại học

Và cuộc khảo sát này được thực hiện sau khi nhiều nhóm hoạt động vì quyền của phụ nữ liên tục phàn nàn trước việc các trường đại học không xử lý một cách hợp lý và thỏa đáng các vụ tấn công tình dục nhằm vào sinh viên. Ủy viên về phân biệt giới tính của Chính phủ Australia Kate Jenkins coi báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Australia là cột mốc quan trọng. “Các số liệu đó cho thấy, việc thay đổi thái độ và nâng cao nhận thức của mọi người là vô cùng cần thiết, không chỉ đối với sinh viên đại học, mà còn cả nhân viên của trường đại học, những người tiếp nhận báo cáo về những hành vi đó”, bà Kate Jenkins tuyên bố.

Phó Chủ tịch trường Đại học quốc gia Australia (ANU) Brian Schmidt cho biết, ông bị sốc trước những thông tin được đưa ra trong báo cáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Simon Birmingham cam kết, sẽ tích cực thực hiện các biện pháp để loại bỏ vấn nạn lạm dụng và tấn công tình dục ở các trường đại học nói riêng và ở Australia nói chung.

Còn theo nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học Melbourne và Đại học New South Wales thực hiện, nhiều người trong số những phụ nữ từng bị xâm hại mắc chứng bệnh tâm thần. Tiến sĩ Susan Rees, người đứng đầu nhóm nghiên cứu kể trên cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa hiện tượng tiếp xúc với nạn bạo lực về giới tính và 3 dạng rối loạn tâm thần và đó là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tự tử có chủ định.

Hội sinh viên Australia cũng từng tiến hành khảo sát đối với 1.500 nữ sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở nước này. Và có 17% số người được hỏi thừa nhận từng bị cưỡng hiếp, 12% cho biết bị quấy rối tình dục và đây là tỷ lệ không thể chấp nhận. Điều đáng nói là chỉ có 2% sinh viên bị cưỡng hiếp thông báo sự việc với cảnh sát, số còn lại giữ im lặng vì nhiều lý do khác nhau.

Ngàn Đông (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/australia-trong-con-xoay-nhung-vu-be-boi-tinh-duc-385581.html