Australia tăng gấp đôi độc dược diệt chuột

Nhằm đối phó với nạn chuột hoành hành trong nhiều năm qua, chính quyền ở một số bang tại Australia đã phê chuẩn việc tăng gấp đôi độc tính cho thuốc chuột.

 Australia liên tục bị chuột phá hoại mùa màng trong những năm gần đây. Ảnh: Guardian.

Australia liên tục bị chuột phá hoại mùa màng trong những năm gần đây. Ảnh: Guardian.

Cơ quan khoa học Quốc gia Australia và Cục Thú y đã đồng ý cấp giấy phép khẩn cấp cho cơ quan thuốc trừ sâu nước này sản xuất những liều thuốc chuột tăng gấp đôi độc tính trong loạt sản phẩm sắp ra mắt. Liều lượng, tỷ lệ thuốc trên những cánh đồng lúa mì được giữ nguyên, nhưng lượng kẽm photphua (Zn3P2) trong mỗi liều được tăng gấp hai lần.

Kẽm photphua là một hợp chất hóa học vô cơ, có thành phần chính gồm hai nguyên tố là kẽm (Zn) và photpho (P). Hợp chất này tồn tại chủ yếu dưới dạng chất rắn màu xám, một số mẫu thương mại có màu tối hoặc thậm chí đen. Nó chủ yếu được sử dụng làm thuốc diệt chuột. Ngoài ra, còn có ứng dựng trong việc sản xuất các chất bán dẫn.

Kẽm photphua rất độc. Trong nhiều nhãn, chất này được đánh dấu là "Nguy hiểm cao", có nghĩa chỉ với lượng từ 1 đến 50 mg cũng có thể gây chết người.

Từ nhiều năm nay, kẽm photphua được dùng rộng rãi, nhưng được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với nông dân ở các bang miền Đông và Nam Australia, liều lượng kẽm photphua hiện tại không đủ để họ ngăn nạn chuột hoành hành.

Nhà nghiên cứu Steve Henry của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết, chuột có cơ chế nhanh chóng sinh hiện tượng ác cảm với mồi nhử, nếu tăng liều lượng kẽm photphua trong thuốc. "Chúng tôi gọi đó là hiệu ứng cà ri. Nếu bạn đi ra ngoài, ăn một chút thức ăn, và cảm thấy buồn nôn khi về nhà, bạn sẽ không quay lại nhà hàng đó nữa", ông lý giải.

Căn cứ này giúp CSIRO mạnh dạn tăng liều lượng độc tính, dù điều ấy làm tăng nguy cơ gây tử vong ở người, nếu chẳng may tiếp xúc với mồi nhử. Loại thuốc liều cao sẽ sớm có mặt trên thị trường và nông dân chỉ tốn thêm khoảng 1 USD cho mỗi kilogram.

Tại miền Đông Australia, gồm một phần bang New South Wales và phía nam bang Queensland, nơi chuột tàn phá mùa màng và gây thiệt hại đáng kể cho cỏ khô, ngũ cốc dự trữ, các công ty và nông dân đã được phép thử nghiệm loại thuốc mới.

Trước khi được đồng ý, giới khoa học từng hy vọng mưa lớn và nhiệt độ lạnh hơn sẽ làm giảm tác hại của nạn chuột. Tuy nhiên, điều ấy không xảy ra. Ở hầu hết các thị trấn bị nạn, những con chuột, vốn có thể sinh sản từ 6 tuần tuổi và đẻ mỗi lứa sau 21 ngày, tiếp tục phá hoại cây trồng, thậm chí tấn công vật nuôi.

Hiệp hội Nông dân New South Wales, cho biết sản phẩm thuốc chuột thông thường đã thiếu nguồn cung, và giá leo thang một cách chóng mặt. Họ cần một hướng đi mới, hiệu quả và tức thì. Tổ chức này đã hợp tác với Hội Phụ nữ Quốc gia, kêu gọi gói hỗ trợ tài chính về bệnh dịch chuột. Nhóm này đề xuất, mỗi trang trại được chu cấp 25.000 USD chi phí mua thuốc chuột.

Một cuộc khảo sát trên 1.100 nông dân khắp New South Wales cho thấy, 94% số trang trại đã bị chuột tấn công. Tính trung bình trên đầu người, mỗi cá nhân đã chi tới 150.000 USD cho việc mua thuốc diệt chuột. Một phần ba trong số những người được khảo sát tiết lộ, thiệt hại về ngũ cốc và thức ăn gia súc dự trữ từ 50.000 đến 150.000 USD. 5& số này khẳng định, họ đã mất hơn 250.000 USD.

Một số nông dân đã phải bỏ toàn bộ vụ xuân hè. Khoảng 40% nông dân đã gieo sạ ít hơn vào mùa đông vừa qua. Hơn 80% số người khảo sát khai báo các thiệt hại liên quan tới máy móc và cơ sở hạ tầng. Và chỉ một phần ba bị thiệt hại dưới 150.000 USD.

Lisa Minogue, một nông dân ở vùng Barmedman, cho biết cô đã giặt đồ tới 38 lần chỉ trong vòng ba ngày. “Mùi chuột thật kinh khủng. Không tài nào biết chính xác có bao nhiêu con ở trong nhà mình”, cô nói.

Đàn chuột thậm chí đã tấn công các bệnh viện nông thôn, cắn bệnh nhân. Nhiều cơ quan y tế địa phương đã thông báo về sự gia tăng các bệnh liên quan đến chuột. Tại New South Wales, khoảng một phần ba số nông dân được hỏi thừa nhận, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh bùng phát và 85% bị khó ngủ.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Australia, Danica Leys, cho biết: “Tất cả đều bị tác động, từ các nông trại, các khách sạn trong khu vực, các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm, cho tới tiệm bánh, siêu thị, trung tâm chăm sóc trẻ em và viện dưỡng lão. Những hệ lụy về tài chính và sức khỏe này đều theo sau đợt hạn hán chưa từng có, khiến cháy rừng thảm khốc. Đã đến lúc chính quyền bang phải hành động”.

Thủ hiến New South Wales, Gladys Berejiklian, thừa nhận những vấn đề từ loài gặm nhấm khó chịu" này. Trên đài phát thanh 2GB, bà bày tỏ: "Tùy thuộc vào sinh sống, nhưng vấn đề dường như đang trở ên tồi tệ hơn, do thời gian sinh sản của chuột ngày càng rút ngắn. Chúng hiện quá đông, tới mức khó kiểm soát. Chính quyền đang làm mọi thứ có thể, nhằm tránh một thảm họa tự nhiên”.

Phó Thủ hiến New South Wales và lãnh đạo Quốc gia, John Barilaro, cho biết chính quyền tiểu bang cùng Chính phủ Australia đang đẩy nhanh việc vận động hành lang để thay đổi các bộ quy tắc ứng xử. Ông nói với Quốc hội: “Chúng ta cần hỗ trợ nông dân để họ có đủ mồi nhử diệt chuột trong thời gian tới".

Bộ trưởng Nông nghiệp New South Wales, Adam Marshall bỏ ngỏ khả năng kiểm soát các bệnh dịch có thể lây lan theo đàn chuột. Trong đó, nguy hiểm và đáng sợ nhất là dịch hạch. "Hiện chưa có một gợi ý rõ ràng nào để giải quyết. Có thể, chính quyền phải sử dụng biện pháp mạnh, bao gồm cả những cách bị cho là ngoài luồng. Tất cả nhằm giúp nông dân chống chọi dịch bệnh", ông nhấn mạnh.

Trước mắt, nông dân Australia vẫn sử dụng các cách truyền thống như đặt bẫy hoặc sử dụng drone thả mồi nhử tẩm thuốc diệt chuột từ trên cao. Tuy nhiên, vấn nạn chỉ mới bắt đầu, xét theo tốc độ sinh sản mau chóng của chuột. Một đôi chuột có thể đẻ đàn con mới sau 20 ngày, sinh ra hơn 500 con non trong một mùa. Chuột cái trưởng thành có thể đẻ mỗi lứa cách nhau 3 tuần.

Diệp Tú

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/australia-tang-gap-doi-doc-duoc-diet-chuot-d290887.html