Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên nhóm Bộ Tứ sẽ gửi thông điệp gì đến khu vực?

Người đứng đầu chính phủ các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ cùng nhóm họp trong khuôn khổ Bộ Tứ vào ngày 13/3 tới được cho là gửi nhiều thông điệp đến khu vực.

Khuôn khổ Bộ Tứ hình thành vào năm 2007 giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tuy vậy, đến năm 2019 nhóm này mới có cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên. Và ba năm sau đó, tức là đến tháng 3/2021, người đứng đầu chính phủ của 4 nước này mới lần đầu cùng ngồi lại trong khuôn khổ của một Hội nghị thượng đỉnh.

Các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ Tứ trong cuộc họp tại Nhật Bản vào tháng 10/2020. Nguồn Reuters

Các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ Tứ trong cuộc họp tại Nhật Bản vào tháng 10/2020. Nguồn Reuters

Cuộc họp này sẽ là sự kiện đánh dấu khuôn khổ hợp tác Bộ Tứ được nâng lên cấp người đứng đầu chính phủ. Thực tế này cho thấy các thành viên đều đánh giá cao về tầm quan trọng của hợp tác Bộ Tứ và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ này. Vì lẽ này, khuôn khổ Bộ Tứ sẽ không còn là cơ chế hợp tác trong ngắn hạn mà có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới.

Giáo sư Rory Medcalf thuộc trường Đại học Canberra đánh giá đây là “bước tiến lịch sử” cho thấy cam kết chính trị được nâng lên một mức mới nhằm cân bằng với quyền lực của Trung Quốc. Giáo sư Medcalf cũng nói thêm rằng, việc nhóm Bộ Tứ hình thành cơ chế họp thượng đỉnh cũng là “dấu hiệu cho thấy Australia không đơn độc trong nỗ lực chống lại sức ép của Trung Quốc”.

Những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên nhóm Bộ Tứ gặp mặt cũng thể hiện việc các nước đều muốn can dự và cam kết ở mức cao nhất.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết điều mà các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ muốn hướng đến là đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, độc lập và tự chủ để tất cả các quốc gia trong khu vực có thể tương tác với nhau để mang lại những điều tốt đẹp cho người dân, cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Không chỉ là hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, cuộc họp sắp tới cũng là hoạt động đa phương quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia kể từ khi nhậm chức. Điều này cho thấy, chính quyền mới ở Mỹ rất quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi đây là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, trong cuộc gặp sắp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế và khủng hoảng khí hậu. Những nội dung thảo luận mà Mỹ đưa ra cho thấy các nước đều đang sẵn sàng tìm tiếng nói chung để chia sẻ những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Song để kéo được Mỹ lại gần với khu vực, dù muốn hay không thì Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng cần “chiều lòng Mỹ”, tham gia nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ đề mà Tổng thống Mỹ Joe Biden rất quan tâm.

Tiến sỹ Jeffrey Wilson Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Mỹ-Châu Á nhận định, việc nâng khuôn khổ lên cấp nhà lãnh đạo cho thấy chủ đề thảo luận của nhóm này có thể được mở rộng sang bất kỳ đề tài nào như kinh tế, sự can thiệp của nước ngoài hay thậm chí là việc phân phối vaccine.

Truyền thông Australia thì cho hay, nhiều khả năng tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ sẽ công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính để tăng cường năng lực sản xuất vaccine ngừa Coivd-19 tại Ấn Độ nhằm giảm việc tắc nghẽn trong quá trình phân phối vaccine, tăng tốc độ tiêm chủng và đánh bại một số chủng đột biến của virus. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ cũng có thể sẽ công bố về việc cung cấp bổ sung vaccine ngừa Covid-19 cho khu vực Đông Nam Á.

Dịch Covid-19 đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ không thể trực tiếp gặp mặt trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ song đây là minh chứng cho thấy dịch bệnh không những không thể ngăn cản mà còn thúc đẩy các quốc gia này hợp tác để cùng hướng về mục tiêu chung nhằm đảm bảo khu vực hòa bình và thịnh vượng./.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-dau-tien-nhom-bo-tu-se-gui-thong-diep-gi-den-khu-vuc-842205.vov