Australia giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế

Gói kích thích kinh tế đầu tiên mà Chính phủ Australia đưa ra còn lớn hơn cả gói kích thích thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong những ngày qua, chính phủ Australia liên tục đưa ra các biện pháp kinh tế với tổng số tiền lên đến hơn 122 tỷ AUD để giúp nền kinh tế nước này vượt qua những khó khăn vô cùng lớn mà dịch Covid-19 mang đến.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Trường Đại học Queensland, Australia.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Trường Đại học Queensland, Australia.

Gói kích thích kinh tế đầu tiên mà Chính phủ Australia đưa ra còn lớn hơn cả gói kích thích thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bởi quy mô của thiệt hại kinh tế lần này được dự đoán còn nhiều hơn thế nữa. Australia đang đối mặt với những khó khăn kinh tế này như thế nào và Việt Nam nên làm như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Câu hỏi này sẽ được Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Trường Đại học Queensland, Australia giải đáp.

PV: Chính quyền và các chuyên gia kinh tế tại Australia đều đánh giá rằng mức độ thiệt hại kinh tế của dịch Covid-19 lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vậy ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này và cho biết sự khác biệt này tác động như thế nào tới nền kinh tế Australia?

TS Nguyễn Hồng Hải: Đây đều là hai cuộc khủng hoảng có tính chất khác nhau, một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) và một khủng hoảng sức khỏe toàn cầu (GHC). Vì khác nhau về bản chất, nên tác động và quy mô tác động của chúng lên nền kinh tế các quốc gia cũng khác nhau. GFC vốn tập trung và ảnh hưởng nhiều hơn ở khu vực Bắc Mỹ, tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các thể chế tài chính bao gồm cả các công ty và hãng bảo hiểm – gọi chung là hệ thống tài chính, gây ra sự sụp đổ của các định chế tài chính, làm ngưng trệ hoạt động tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán. Hệ thống tài chính mất ổn định sẽ ảnh hưởng và làm suy giảm hoạt động kinh tế, đặc biệt là giảm hiệu quả sản xuất, năng suất lao động, đầu tư và thương mại. Nói như vậy có nghĩa là nếu hệ thống tài chính và ngân hàng của một quốc gia mạnh, đủ sức kháng cự tác động của GFC thì sẽ giúp nền kinh tế của quốc gia đó ít chịu thiệt hại hơn.

Do trung tâm khủng hoảng của GFC ở cách xa Australia, nên tác động tới kinh tế tới quốc gia này ít hơn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm đó khá mạnh, nhu cầu nhập khẩu cao, nên đã trở thành cứu cánh cho kinh tế Australia. Vì thế, ở thời điểm GFC giai đoạn 2007-2009, mà đỉnh điểm là 2008, nền kinh tế Australia vẫn vận hành tương đối tốt so với nhiều nước phát triển. Bên cạnh đó, chính phủ liên bang cũng đã có nhiều biện pháp chính sách, bao gồm cả gói cứu trợ, để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định và thu hút được niềm tin của người dân. Vì vậy, thiệt hại kinh tế do tác động của GFC tới Australia là không nhiều.

Thế nhưng đến GHC này, tác động và thiệt hại do Covid-19 gây ra sẽ rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể còn ảnh hưởng lớn hơn so với GFC. GHC làm giảm nhu cầu, gây giãn đoạn chuỗi cung ứng. Với Australia, tác động kinh tế của Covid-19 đã thấy ngay tức thì, vì trung tâm của cuộc khủng hoảng lần này – Trung Quốc - rất gần Australia và là thị trường cũng như đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

Covid-19 có thể gây tác động từ bên trong và bên ngoài. Tác động từ bên trong có nghĩa là dịch Covid bùng phát ngay ở trong nước, do yếu tố lây nhiễm, ngay cả khi Australia đóng cửa biên giới và hạn chế người nước ngoài nhập cảnh; tác động từ bên ngoài có nghĩa là khi các nước đóng cửa biên giới, dẫn đến dòng hàng xuất khẩu cũng bị đọng lại trong nước.

Một lĩnh vực bị tác động rõ nhất của Covid-19 là giáo dục, ngành dịch vụ đem lại hàng tỉ đô cho kinh tế Australia mỗi năm từ sinh viên quốc tế. Sinh viên Trung Quốc chiếm nhiều nhất trong số sinh viên quốc tế ở các trường đại học của Australia. Khi chính phủ Australia ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đi từ Trung Quốc, có tới 100,000 sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Hay, ngành du lịch là một ví dụ khác của việc thất thu. Năm 2018, có 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Australia, trong đó gần 1,5 triệu là người Trung Quốc. Còn quá sớm để đánh giá tác động và thiệt hại bằng con số cụ thể cho kinh tế Australia, nhưng với tình hình và diễn biến lây lan Covid-19 còn phức tạp, kinh tế Australia sẽ còn chịu tác động về lâu dài.

PV: Vậy chính phủ Australia đã và nên làm gì để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn này?

TS Nguyễn Hồng Hải: Trước hết, phải nhìn nhận tác động của Covid-19 là mang tính bao trùm. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế có tính tổng hợp và có liên quan đến nhau. Các biện pháp này được thể hiện trên hai mặt trận: Một là các biện pháp y tế dự phòng và chống dịch. Hai là các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Cả hai gói biện pháp này phải được thực hiện song song và coi trọng như nhau, không thiên lệch.

Về các biện pháp y tế dự phòng và chống dịch, chính phủ Australai đã có những phản ứng khá nhanh để ngăn chặn và hạn chế việc lây lan Covid-19 khá hiệu quả so với nhiều nước OECD. Chẳng hạn như áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh, cách ly và hạn chế đi lại, nhờ đó mà đã giảm được mức độ lây lan Covid-19 ở Australia trong giai đoạn đầu tiên.

Bên cạnh đó, chính phủ đã thông qua Kế hoạch Ứng phó Khẩn cấp Y tế quốc gia, phát triển Kho Dự trữ Y tế trên cơ sở phối hợp giữa chính phủ liên bang và chính quyền các bang và vùng lãnh thổ; lập Cơ chế Điều phối Quốc gia trong Bộ Nội vụ để điều phối các hoạt động giữa các cơ quan chính quyền liên bang, bang và vùng lãnh thổ nhằm đảm bảo cách tiếp cận thống nhất trên phạm vi toàn quốc trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và hoạt động thông suốt của chuỗi cung ứng.

Chính phủ cho rằng, việc ứng phó với dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để đạt được các mục tiêu kinh tế và trên hết là tránh được tình trạng rối loạn trong sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân.

Về các biện pháp hỗ trợ kinh tế, trước viễn cảnh của hoạt động ngoại thương giảm, mục tiêu của chính phủ Australia là kích thích tiêu dùng trong nước, giảm áp lực dòng tiền lưu thông đối với các doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất, đồng thời hỗ trợ các khoản đầu tư mới để nâng cao năng suất lao động.

Để thực hiện được mục tiêu này, chính phủ Australia đưa ra biện pháp tài chính dựa trên bảy nguyên tắc sau: (1) sẵn sàng liệu pháp xử lý mức độ sốc kinh tế; (2) các biện pháp được triển khai kịp thời và có thể mở rộng quy mô và được điều chỉnh phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới sức khỏe của người dân và kinh tế; (3) tập trung vào các vấn đề cụ thể và hỗ trợ những đối tượng kinh tế bị ảnh hưởng nhất; (4) triển khai chính sách tài chính và tiền tệ linh hoạt và phù hợp, hạn chế tỷ lệ lưu thông tiền mặt; (5) tận dụng các cơ chế sẵn có, tránh vội vàng triển khai các chương trình mới. Đây là bài học từ việc ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây; (6) các biện pháp này chỉ là tạm thời và phải có chiến lược thoái lui phù hợp; và (7) ưu tiên các biện pháp nhằm hỗ trợ nâng cao năng suất lao động để duy trì nền kinh tế Australia.

Rút kinh nghiệm từ GFC, chính phủ Australia cho rằng chính sách tài chính phải đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong việc ứng phó với GHC lần này. Các ngân hàng phải đủ vốn và có khả năng thanh khoản cao, hệ thống tài chính phải vững để có khả năng kháng cự những tác động.

Ngoài ra, hôm 12 tháng 3, chính phủ Australia đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 17,6 tỉ AUD nhằm hỗ trỗ trợ đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để duy trì hoạt động và trả lương cho nhân công, hỗ trợ cho những ngành, vùng và cộng đồng bị ảnh hưởng nhất, và hỗ trợ chi trả cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, chính phủ Australia cũng xác định những biện pháp này cũng mới chỉ là tạm thời và tương ứng với mức độ và thách thức mà Australia đang phải đối diện. Nói cách khác, gói kích thích kinh tế có thể sẽ được bổ sung và gia tăng nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

PV: Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và cũng đang phải đối mặt với dịch bệnh này. Vậy theo ông, dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

TS Nguyễn Hồng Hải: Phần lớn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc, vì thế sản xuất kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại giao biên giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Vừa qua, các doanh nghiệp và người dân trong nước đã có nhiều sáng kiến và chương trình nhằm kích thích tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời và không lâu dài.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Vì thế trong thời điểm hiện nay, việc đa dạng thị trường xuất khẩu có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhân dịp này xem đây là động lực để đổi mới quy trình và dây chuyền sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản. Xuất phát từ nguyên nhân của dịch Covid-19, chắc chắn, từ nay, việc kiểm định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản sẽ được tăng cường và chặt chẽ hơn ở các nước.

Ở tầm vĩ mô và từ góc độ chính sách, chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét, tính toán và hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế và từ đó có những điều chỉnh tiền tệ và tài chính phù hợp. Theo kinh nghiệp của các nước và Australia, chính phủ cũng cần đi trước xem xét và ban hành gói cứu trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; có chính sách kích thích tiêu thụ trong nước; điều chỉnh lãi xuất cho vay để hỗ trợ đầu tư mới; cân nhắc cắt giảm thuế mạnh với doanh nghiệp để hỗ trợ duy trì sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động. Thậm chí, ở mức độ nào đó và phù hợp, còn miễn thuế sản xuất để giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp,phục hồi nhanh.

Các biện pháp và kế hoạch hỗ trợ kinh tế nên mang tính dài hạn, chứ không phải tạm thời vì khả năng tác động của Covid-19 còn kéo dài. Điều này có nghĩa là các biện pháp không phải chỉ tập trung hỗ trợ trong giai đoạn có dịch và phải tính tới giai đoạn sau khi hết dịch.

PV: Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Hồng Hải./.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/australia-giam-thieu-anh-huong-cua-dich-covid19-toi-nen-kinh-te-1024885.vov