Australia duy trì biện pháp giãn cách xã hội thêm ít nhất 4 tuần

Australia sẽ duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng trên khắp nước thêm ít nhất 4 tuần nữa để có thể kiểm soát hoàn toàn đại dịch bệnh COVID-19.

Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở Sydney, Australia do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở Sydney, Australia do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 16/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này sẽ duy trì các biện pháp hạn chế ít nhất thêm 4 tuần nữa để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù có nhiều dấu hiệu cho thấy đà lây lan của dịch bệnh đã chậm lại.

Ông Morrison cho biết thêm trong tháng Năm tới, Australia sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm, tăng năng lực theo dõi quá trình tiếp xúc của các ca bệnh COVID-19 và lên kế hoạch đối phó với các ổ dịch mới.

Theo Thủ tướng Morrison, nhà chức trách sẽ hoàn thành 3 bước này trong 4 tuần, sau đó sẽ xem xét lại những biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động của người dân, cũng như việc đóng cửa các trường học, nhà hàng và quán bar.

Trước đó, chính quyền liên bang và các bang tại Australia bất đồng về việc mở cửa trở lại các trường học.

Chính quyền liên bang muốn các trường học mở cửa trở lại dựa trên khuyến cáo y tế rằng trẻ em ít chịu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trong khi đó, lãnh đạo một số bang và vùng lãnh thổ từ chối chính sách này, ra lệnh đóng cửa các trường mà mình quản lý.

Australia đã ngăn chặn không để số ca mắc COVID-19 lên mức cao nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới giữa các bang.

Chính quyền cũng yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, quán bar và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu trong khi áp dụng việc cảnh cáo phạt tiền, thậm chí bỏ tù nhằm chấm dứt việc tụ tập trên 2 người tại các nơi công cộng.

Tỷ lệ ca mắc mới hàng ngày đang được duy trì ở mức thấp so với mức khoảng 25% của vài tuần trước.

Đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng 6.642 ca mắc, trong đó có 63 ca tử vong.

New South Wales (NSW) vẫn là bang chịu tác động nặng nề nhất với tổng số ca mắc tính đến sáng 16/4 là 2.897 ca.

Trong vòng 24 giờ qua, các cơ quan y tế bang NSW xác nhận chỉ có thêm 11 ca mắc mới với hơn 3.000 xét nghiệm được tiến hành.

Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian cho biết chính quyền bang đang lên kế hoạch để có thể cho học sinh trở lại trường khoảng giữa tháng Năm tới.

Dù các trường học tại bang NSW về mặt tổ chức vẫn duy trì mở cửa suốt thời gian qua nhưng các gia đình có điều kiện chăm sóc trẻ được khuyến cáo cho học sinh ở nhà và học từ xa.

Việc trường học duy trì mở cửa nhằm phục vụ những người không thể thu xếp cho con ở nhà do vẫn phải đi làm trong các ngành nghề như y tế, phục vụ siêu thị.

Chính quyền bang NSW hiện đang muốn nâng tỷ lệ xét nghiệm lên khoảng 4.500 trường hợp/ngày nhằm cải thiện khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Theo bà Berejiklian, cho đến khi có thuốc điều trị hoặc vaccine, người dân sẽ phải "sống chung với dịch bệnh," do đó các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế như hiện nay sẽ vẫn được duy trì trong thời gian tới.

Đại dịch COVID-19 đang dẫn tới sự suy giảm dân số lớn nhất trong lịch sử Australia, với hàng trăm nghìn khách du lịch, lao động tạm trú và sinh viên quốc tế đã rời khỏi đất nước, gây ra nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ Di trú Australia cùng ngày 16/4 công bố số người giữ thị thực tạm trú tại nước này đã giảm 260.000 trường hợp, xuống còn 2,17 triệu người, trong 3 tháng đầu năm nay và dự kiến có thêm 50.000 trường hợp khác rời Australia trong 2 tuần đầu của tháng Tư.

Quyền Bộ trưởng Di trú Alan Tudge cho biết đa số người rời Australia là khách du lịch, sinh viên quốc tế và người lao động tạm trú, hồi hương do Australia chính thức đóng cửa biên giới và các hãng hàng không ngừng bay tuyến quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Cựu quan chức cấp cao của Bộ Di trú, Abul Rizvi nhận định Australia đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng di trú, với tỷ lệ người di cư sụt giảm nhiều nhất trong lịch sử quốc gia, thậm chí hơn cả trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Làn sóng di cư vẫn sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng, với khoảng 300.000 người từ nay cho tới cuối năm.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng suy giảm dân số sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng Australia, vốn đã thấp đi đáng kể từ đầu năm 2019 đến nay, và làm trì trệ hoạt động kinh doanh của thị trường mua bán và cho thuê nhà ở.

Cựu quan chức Rizvi kêu gọi Chính phủ Australia trong thời gian tới cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho khoảng 150.000 lao động nước ngoài hiện vẫn ở lại.

Đây là những người đang đối mặt với nguy cơ “bị lãng quên” trong công tác hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo đời sống cho người dân và nền kinh tế Australia vượt qua giai đoạn khủng hoảng do COVID-19.

Chủ tịch Viện nghiên cứu dân số Australia, Bob Birrell cho biết những phản ứng của Chính phủ Australia với tình trạng "mất dần người di cư" sẽ là một bước đi quan trọng đối với việc nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào trong vòng vài năm tới./.

Hoàng Linh-Diệu Linh-Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/australia-duy-tri-bien-phap-gian-cach-xa-hoi-them-it-nhat-4-tuan/634914.vnp