Australia đau đầu vì hoạt động của tình báo Trung Quốc

Mạng lưới tình báo Trung Quốc hoạt động tích cực tại Australia với nhiều cách thức tinh vi như xâm nhập mạng, cài cắm gián điệp, cho đến mua chuộc nội bộ để thu thập thông tin.

Hoạt động tình báo của nước ngoài có lẽ đang ở mức cao nhất mọi thời đại tại Australia. Các hoạt động này hầu hết là kín đáo với những hình thức chủ yếu như tấn công hệ thống điện tử công cộng và tư nhân cũng như đánh cắp dữ liệu.

Các dữ liệu thu thập được giúp cơ quan tình báo hiểu về hệ thống và khả năng an ninh của quốc gia mục tiêu; gia tăng lợi ích chiến lược, chính trị, kinh tế và gây áp lực với những người liên quan.

Trong bài viết trên Canberra Times, Charles Wallace khẳng định Trung Quốc là quốc gia hoạt động tình báo tích cực nhất tại Australia. Cựu quan chức tình báo Australia nêu lên những cách thức hoạt động tình báo tinh vi và sâu rộng của Trung Quốc, điều đang khiến chính phủ nước này đau đầu.

Theo dõi, lợi dụng người gốc Hoa

Cục tình báo của Bộ An ninh Trung Quốc chủ yếu có nhiệm vụ bảo vệ và tăng cường an ninh quốc gia bằng cách thu thập dữ liệu về thương mại, công nghệ và quân sự, đồng thời xác định các lỗ hổng chưa được khắc phục trên hệ thống máy tính.

Các chương trình phòng thủ của Australia từng bị Trung Quốc tấn công bao gồm F-35 joint strike fighter, máy bay trinh sát điện tử P-8 Poseidon và các bộ dẫn dường đạn đạo. Các tin tặc Trung Quốc cũng xâm nhập vào các cơ quan của chính quyền liên bang, dường như là nhằm thu thập dữ liệu và tìm hiểu về hệ thống điều hành của Australia.

Trần Dụng Lâm cáo buộc Bắc Kinh đang điều hành hơn 1.000 gián điệp hoạt động tại Australia và bày tỏ lo ngại bản thân sẽ gặp nguy hiểm nếu về nước. Trần từ chức bí thư thứ nhất tại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney vào tháng 5/2005 để xin tị nạn chính trị tại Australia. Ảnh: AFP/Getty.

Australia không nêu tên và bêu xấu hacker nước ngoài nhưng Mỹ có cách tiếp cận cứng rắn hơn. Ngày 27/11, Mỹ đã công bố cáo trạng chống lại 3 cá nhân tại Trung Quốc vì tấn công máy tính, đánh cắp bí mật thương mại, âm mưu và đánh cắp nhân dạng từ ngành công nghiệp tài chính, kỹ thuật và công nghệ Mỹ.

Ba người Trung Quốc này làm việc cho Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Guangzhou Bo Yu (Boyusec). Boyusec, APT3 và Gothic Panda đều là các tổ chức tin tặc có liên hệ với Bộ An ninh Trung Quốc.

Bộ này cũng theo dõi hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến Tây Tạng và Trung Quốc tại Australia, trong khi một số sinh viên Trung Quốc bị ép phải báo cáo về bạn học đồng hương của mình.

Cộng đồng thiểu số gồm 1,3 triệu người Australia gốc Hoa cũng là đối tượng bị theo dõi.

Các gián điệp kinh tế qua mạng của Trung Quốc đã giúp nước này rút ngắn nhiều năm nghiên cứu để sản xuất các hàng hóa rẻ hơn và nhanh hơn so với các tổ chức tài trợ nghiên cứu.

Về thương mại, các công ty Trung Quốc thường biết rõ thông tin của đối tác Australia trước khi bắt đầu đàm phán. Điều này cho phép họ đảm bảo được các thỏa thuận thương mại có lợi.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm, người tị nạn tại Sydney từ năm 2005, cho biết Trung Quốc có hơn 1.000 đặc vụ hoạt động tại Australia. Hoạt động chủ yếu của họ là thu thập các dữ liệu quan trọng công khai như báo cáo khoa học, hợp đồng thương mại và tài liệu của chính phủ.

Bộ An ninh cũng có thể gây áp lực hoặc tìm cách mua chuộc những người Australia gốc Hoa có địa vị để họ cung cấp thông tin cho Trung Quốc. Người thân của họ tại Trung Quốc có thể sẽ bị gây khó dễ nếu họ không sẵn lòng hợp tác. Trung Quốc càng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng, những người Australia gốc Hoa càng chịu nhiều áp lực phải hợp tác với chính phủ.

Cài cắm gián điệp, hối lộ quan chức

Trong trường hợp xâm nhập qua mạng thất bại, Trung Quốc cũng sẵn sàng mạo hiểm sử dụng các đặc vụ để tiếp cận mục tiêu. Họ thường bí mật theo dõi hoặc giả làm công nhân vệ sinh để xâm nhập bất hợp pháp. Mục đích là tiếp cận trực tiếp hệ thống máy tính của công ty nhằm trích xuất dữ liệu, cài phần mềm độc hại hoặc phần mềm gián điệp.

Trong khi Australia không công khai các vụ việc này, Mỹ đã chọn cách ngược lại. Chẳng hạn, ngày 28/8, kẻ đột nhập đã tìm cách xâm nhập hệ thống của nhà sản xuất thiết bị y tế Medrobotics.

Khi phát hiện một người đàn ông Trung Quốc đang sử dụng 3 thiết bị điện tử tại phòng họp của trụ sở, giám đốc điều hành đã hỏi anh ta làm gì ở đó vào lúc 7h30 tối. Không may cho kẻ đột nhập, anh ta nói mình ở đó để gặp giám đốc điều hành. Người này bị đã bắt và đang bị xét xử về tội tìm cách đánh cắp bí mật thương mại.

Một cách tiếp cận tinh vi khác của Trung Quốc là dùng những hợp đồng béo bở làm mồi nhử các công ty Australia ngây thơ nhằm dễ dàng tiếp cận các báo cáo và mẫu nghiên cứu. Các hợp đồng này không bao giờ được thực hiện vì mặt hàng được giới thiệu cuối cùng sẽ bị sao chép ở Trung Quốc.

Mối đe dọa nội bộ còn đến từ chính các nhân viên và nhà thầu Australia bị mua chuộc. An ninh mạng của tổ chức bị nhắm tới càng tốt thì khả năng nội bộ bị mua chuộc càng cao. Khi không thể mua chuộc bằng tiền, tình hoặc lợi ích, họ sẽ tìm cách lợi dụng sơ hở hoặc sự thiếu sáng suốt của đối tượng.

Thượng nghị sĩ đảng Lao động Sam Dastyari, người nhận quà từ các nhà tài trợ Trung Quốc, bị cáo buộc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và đi ngược lại những chính sách của đảng mình. Ảnh: ABC.

Giống như các cơ quan tình báo khác, Trung Quốc cũng nỗ lực để có các điệp viên nằm vùng tại các vị trí nhân sự chủ chốt. Phương pháp phổ biến nhất mà Trung Quốc sử dụng để tác động đến chính trị Australia là thông qua “các đặc vụ có thế lực”.

Một số đặc vụ là công dân kép của Trung Quốc và Australia. Mục đích của họ là hối lộ các chính trị gia hoặc cựu quan chức để ủng hộ lợi ích của Trung Quốc và đôi khi gây tổn hại tới lợi ích của Australia.

Các hình thức hối lộ cũng rất đa dạng như thanh toán nợ, đài thọ tới Trung Quốc, quyên góp cho hoạt động chính trị và thậm chí trả khoản tiền lớn để nhờ “tư vấn” hoặc hỗ trợ tối thiểu cho các vấn đề khác. Các chính trị gia hàng đầu và các nhà môi giới chính trị từ cả hai chính đảng của Australia có tâm lý sẵn sàng chấp nhận sự hào phóng của Trung Quốc. Một số người còn coi đây là điều hiển nhiên.

Các nghị sĩ liên bang thường phạm lỗi bất liêm chính, điều không thể dung thứ đối với các công chức liên bang. Nguyên tắc đơn giản về tính liêm chính của các chính trị gia, dù đang tại nhiệm hay đã về hưu, đặc biệt là các cựu thủ tướng và bộ trưởng, là họ không nên chấp thuận lợi ích nước ngoài bất kể nguồn gốc, khi mục tiêu rõ ràng là gây ảnh hưởng và làm suy yếu chính sách của chính phủ Australia.

Tuyết Mai (theo Canberra Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/australia-dau-dau-vi-hoat-dong-cua-tinh-bao-trung-quoc-post802366.html