Australia có thể bị thua thiệt nếu Quốc hội trì hoãn phê chuẩn CPTPP

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia cảnh báo rằng, các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này bao gồm thép, rượu vang và nông nghiệp, có thể bị thua thiệt nếu CPTPP không được phê chuẩn.

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia, Simon Birmingham. (Nguồn: The Australian)

Phát biểu trước khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được trình Thượng viện Australia ngày 15/10, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia, Simon Birmingham, cảnh báo rằng, các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này bao gồm thép, rượu vang và nông nghiệp, có thể bị thua thiệt nếu CPTPP không được Quốc hội phê chuẩn.

Theo ước tính, CPTPP sẽ mang lại lợi nhuận 15,6 tỷ AUD mỗi năm cho nền kinh tế Australia vào năm 2030. Ông cũng cảnh báo, bất kỳ sự trì hoãn nào liên quan đến thỏa thuận thương mại này sẽ gây bất lợi cho ngành khai mỏ, các nhà xuất khẩu len và thịt bò của Australia.

Tân Bộ trưởng Birmingham, người thay thế ông Steve Ciobo từ tháng Tám vừa qua, đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng hiện không phải là thời điểm ngăn chặn thỏa thuận quan trọng này.

Theo ông Birmingham, CPTPP mang lại thuận lợi đáng kể cho các nhà xuất khẩu Australia, song sẽ gặp trở ngại nếu bị trì hoãn. Việc phản đối CPTPP cũng đồng nghĩa với việc “làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của nông dân Australia, trong khi đây là điều họ cần nhất."

Điều này cũng làm giảm cơ hội cho các doanh nghiệp, tác động tiêu cực tới thị trường việc làm và đầu tư cho Australia.

Tania Constable, Giám đốc điều hành Hội đồng khoáng sản Australia, cho rằng việc thông qua nhanh chóng CPTPP là hết sức quan trọng nhằm mang lại cơ hội đẩy sớm gấp đôi tiến tình cắt giảm thuế. Hiệp hội xuất khẩu Australia và Hiệp hội ngũ cốc cũng kêu gọi hai đảng có trách nhiệm đưa ra thông điệp với các đối tác toàn cầu rằng Australia đang thúc đẩy việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

CPTPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi được 6/11 quốc gia thành viên phê chuẩn. Hiện đã có Nhật Bản, Singapore và Mexico phê chuẩn; New Zealand và Canada cũng chuẩn bị hoàn tất tiến trình thông qua.

Nếu Australia trì hoãn phê chuẩn CPTPP, New Zealand và Canada sẽ giành được lợi thế trước Australia khi cắt giảm thuế đối với xuất khẩu thịt bò sống sang Nhật Bản, ngành công nghiệp rượu vang của New Zealand giành lợi thế trước Australia tại thị trường Canada. Hai nước này cũng sẽ được hưởng lợi từ mức thuế thấp đối với các sản phẩm pho mát xuất khẩu. Xuất khẩu thép sắt và thép của Australia sang Việt Nam, hiện ở mức 146 triệu AUD, cũng sẽ có gặp bất lợi trước các đối thủ của Nhật Bản. CPTPP cũng sẽ kết nối Australia với các nhà sản xuất máy móc tự động hàng đầu thế giới, bao gồm Nhật Bản, Mexico và Canada.

CPTPP được Hạ viện Australia phê chuẩn ngày 17/9. Để hoàn tất, CPTPP cần được Thượng viện thông qua. Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền cần có sự ủng hộ của các Thượng nghị sỹ thuộc Công đảng đối lập. Lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten khẳng định sự ủng hộ đối với Hiệp định thương mại này, song đang phải chịu sức ép lớn từ các tổ chức công đoàn phản đối CPTPP như Công đoàn Năng lượng, Khai mỏ, Hàng hải, Lâm nghiệp và Xây dựng; Công đoàn buôn bán thiết bị điện, Công đoàn công nhân chế tạo…

Tại phiên họp kín của Công đảng thảo luận về Hiệp định này vào tháng Chín đã diễn ra tranh cãi gay gắt giữa các thành viên./.

Sao Băng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/australia-co-the-bi-thua-thiet-neu-quoc-hoi-tri-hoan-phe-chuan-cptpp/529859.vnp