Australia bác bỏ cảnh báo phân biệt chủng tộc của Trung Quốc

Hôm 10/6, các quan chức và các trường đại học hàng đầu Australia đã phản đối việc Chính phủ Trung Quốc khuyến cáo sinh viên nước này cân nhắc việc đến học tập tại Australia, do nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á.

Giáo dục là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của Australia, với hơn 500.000 sinh viên quốc tế theo học năm ngoái. Ảnh: AFP

Giáo dục là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của Australia, với hơn 500.000 sinh viên quốc tế theo học năm ngoái. Ảnh: AFP

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan đã phản hồi cáo buộc của Trung Quốc. Ông cho biết Australia là một xã hội đa văn hóa và luôn sẵn lòng chào đón du khách quốc tế.

“Thành công của chúng tôi trong việc làm phẳng đường cong dịch bệnh COVID-19 chứng tỏ Australia là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới cho sinh viên quốc tế có thể đến học tập ngay bây giờ. Chúng tôi phản đối cáo buộc của Trung Quốc cho rẳng Australia là một điểm đến không an toàn cho sinh viên quốc tế”, ông nói trong một tuyên bố.

Đại dịch COVID-19 đã thổi bùng nạn phân biệt, kỳ thị người châu Á ở nhiều quốc gia. Ủy ban chống phân biệt đối xử tại bang New South Wales cho biết các trường hợp này bao gồm những hành động bắt nạt người đeo khẩu trang, quấy rối họ ở nơi công cộng và những từ ngữ phân biệt chủng tộc được viết lên xe hơi và tài sản cá nhân của những người này.

Bà Vicki Thomson, Giám đốc Điều hành Tập đoàn 8 trường Đại học danh tiếng tại Australia, cho biết họ vô cùng lo ngại trước khuyến cáo của Bắc Kinh ngăn sinh viên đến Australia học tập.

“Chúng tôi không nhận được bằng chứng nào cho thấy vấn nạn phân biệt chủng tộc xảy ra trong những trường học của mình. Đáng chú ý là tại thời điểm đó, chúng tôi không có nhiều sinh viên trong trường”, bà Thomson nói và cho rằng lĩnh vực giáo dục đã bị “mắc kẹt” giữa tình trạng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Australia.

Do đại dịch COVID-19, các trường đại học Australia đã phải đối mặt với tổn thất lớn khi việc đóng cửa biên giới vô thời hạn khiến các sinh viên nước ngoài không thể quay lại học tập. Nhiều người đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm vào ngành này.

Giáo dục là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của Australia, sau quặng sắt, than và khí tự nhiên. Năm 2019, có trên 500.000 sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Australia và đem lại doanh thu 37 tỷ AUD cho nền kinh tế nước này.

Hôm 9/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên nước cân nhắc khi lựa chọn đến Australia hoặc quay trở lại nước này để học tập do nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực nhắm vào người châu Á diễn ra sau đại dịch COVID-19. Điều này khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia càng trở nên căng thẳng.

Cảnh báo được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Canberra khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và việc xử lý khủng hoảng dịch COVID-19.

Trước yêu cầu này, Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt và đã đưa ra một số hành động trừng phạt nhắm vào Canberra trên nhiều lĩnh vực, bao gồm du lịch, thương mại và giờ đây là giáo dục. Hiện tại, sinh viên Trung Quốc chiếm số lượng đông nhất trong số sinh viên nước ngoài đang học tập tại các trường đại học Australia.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cảnh báo xuất hiện nhiều sự việc phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc tại Australia, vài ngày sau khi Bắc Kinh khuyến cáo công dân không nên đến nước này du lịch.

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra cũng đã đe dọa tẩy chay các sản phẩm hàng hóa của của nước này. Cảnh báo tiếp theo được đưa ra khi Trung Quốc cấm các lô thịt bò từ 4 nhà xuất khẩu lớn của Australia với lý do những mặt hàng này không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nhập khẩu.

Vào tháng 5, Trung Quốc cũng đã áp thuế hơn 80% đối với các mặt hàng lúa mạch của Australia với cáo buộc bán phá giá. Một người trồng ngũ cốc cho biết điều này sẽ làm thiệt hại ít nhất 350 triệu USD mỗi năm.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/australia-bac-bo-canh-bao-phan-biet-chung-toc-cua-trung-quoc-20200610112612413.htm