Australia âm thầm chuyển mình thành cường quốc năng lượng tái tạo

Australia là nhà xuất khẩu than đá lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Indonesia, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và đóng một vai trò quan trọng cho kinh tế và chính trị quốc gia này. Tuy đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng thời gian gần đây, người dân 'xứ sở Kangaroo' đang tránh xa thứ nhiên liệu độc hại này, đồng thời âm thầm biến Australia trở thành một cường quốc năng lượng tái tạo.

Chọn năng lượng mặt trời

Theo NY Times, cứ bốn hộ gia đình ở Australia thì có một hộ lắp tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tỷ lệ này cao hơn toàn bộ các nền kinh tế lớn khác và vượt xa mức trung bình toàn cầu, vượt xa Đức, Nhật Bản và bang California (Mỹ) – những nơi được mệnh danh là đi đầu về năng lượng tái tạo. Tại California, bang sử dụng năng lượng mặt trời nhiều nhất nước Mỹ, chưa đến 10% người dân sử dụng pin mặt trời gắn trên mái nhà như Australia.

Rishab Krishna Shrestha, một nhà nghiên cứu năng lượng tại công ty Năng lượng và Tái tạo Wood MacKenzie cho biết, tuy rằng Australia vẫn sử dụng than đá làm nguồn năng lượng chính, nhưng có thời điểm, pin mặt trời đóng góp hơn 6% sản lượng điện toàn quốc. Đây được coi là con số khá ấn tượng khi so sánh với 1% sản lượng điện từ năng lượng sạch của Mỹ.

Các tấm pin năng lượng mặt trời đang trở thành “vật bất ly thân” với nhiều hộ gia đình Australia. (Nguồn: NY Times)

Các tấm pin năng lượng mặt trời đang trở thành “vật bất ly thân” với nhiều hộ gia đình Australia. (Nguồn: NY Times)

Trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời là khoản đầu tư thông minh khi ông Warwick Johnston, giám đốc điều hành mảng tư vấn của công ty SunWiz cho hay, các hộ gia đình sẽ thu hồi vốn sau năm năm đầu tư mua hệ thống pin năng lượng mặt trời. Không chỉ thu hồi vốn nhanh, sử dụng năng lượng mặt trời vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp các gia đình mỗi năm tiết kiệm được khoảng 400 USD.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan điều tiết năng lượng sạch Australia, bang Queensland có tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời cao nhất, chiếm 1/3 số hộ gia đình. Bang này có thời tiết nóng ẩm tương tự như Florida và cũng tự gọi mình là bang của ánh nắng mặt trời.

Nguyên nhân vì tiền?

Australia đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế lượng khí thải carbon, tuy nhiên không được đồng bộ và chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở chính quyền các tiểu bang. Ngoài ra, hầu hết những người Australia chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời dường như không vì một lý do cao cả như muốn chống biến đổi khí hậu. Phần lớn trong số họ được hưởng những ưu đãi nhất định của chính quyền các bang, trong bối cảnh chính quyền liên bang chưa đưa ra giải pháp tiếp cận năng lượng sạch phù hợp, giá điện ngày một tăng cao nhưng giá thành pin mặt trời lại ngày một đi xuống.

Nói về lý do sử dụng năng lượng mặt trời, Peter Row, sống tại thành phố Bundaberg, bang Queensland cho biết, ông cảm thấy mệt mỏi khi tháng nào cũng thấy hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng, nhất là vào mùa Hè. Do không chịu được thời tiết nóng bức, nên ngày nào người đàn ông 59 tuổi này cũng sử dụng điều hòa. Chính vì vậy, ông đã đầu tư vào một hệ thống pin mặt trời khoảng 3.000 USD và kể từ đó, mỗi tháng ông không cần phải trả tiền điện, mà còn được lời thêm 30 USD/tháng do sản xuất nhiều điện hơn tiêu dùng.

Thậm chí, người dân có thiên hướng bảo thủ, không tin tưởng vào các cảnh báo về biến đổi khí hậu, cũng chấp nhận sử dụng năng lượng mặt trời để không phải phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, phù hợp với những giá trị chủ nghĩa cá nhân mà họ tự đặt ra. Trên thực tế, hai trong số các bang đông dân nhất, bang Queensland và bang New South Wales, hơn một nửa số hộ gia đình đều sử dụng pin mặt trời.

Ngoài ra, các quy chuẩn về xây dựng và xin giấy phép lắp đặt pin mặt trời ở Australia được cho là được nới lỏng hơn so với Mỹ. Ông Matt Kean, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường bang New South Wales nhận định: “tương lai thực sự của Australia là năng lượng mặt trời, gió và thủy điện vì nó không chỉ tốt cho môi trường mà còn đem lại lợi ích cho nền kinh tế”.

Bất chấp sự phát triển của năng lượng mặt trời, phương pháp tiếp cận hệ thống điện của Australia cũng có những điểm yếu nhất định. Khách hàng thường xuyên phản ánh về tình trạng mất điện, trong khi các chuyên gia đổ lỗi cho hệ thống điện yếu kém, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và hư hỏng thiết bị do cháy rừng.

Mặc dù vậy, Australia hiện vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào ngành than đá. Thế nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.

Các chính trị gia Australia cho rằng xứ sở Kangaroo đang có những bước đi đúng đắn khi chuyển sang năng lượng sạch nhưng đồng thời, đòi hỏi quốc gia này phải có quá trình lên kế hoạch hợp lý, tăng đầu tư vào cơ sở vật chất, nhất là lưới điện, pin hoặc các hình thức lưu trữ năng lượng khác.

(theo NY Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/australia-am-tham-chuyen-minh-thanh-cuong-quoc-nang-luong-tai-tao-125786.html