Thăm Văn Miếu Trấn Biên hơn 300 năm tuổi

Được xây dựng năm 1715, Văn Miếu Trấn Biên gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam. Đây là Văn Miếu đầu tiên được xây dựng ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn.

Văn Miếu Trấn Biên hiện tọa lại tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lịch sử Văn Miếu Trấn Biên gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý xứ Đồng Nai và sáp nhập vùng đất này vào nước Việt. 17 năm sau, tức năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây Văn Miếu Trấn Biên, để thể hiện tư tưởng tôn vinh Nho giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài và tiếp nối truyền thống văn hóa của người Việt ở phương Nam.

Văn Miếu Trấn Biên hiện tọa lại tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lịch sử Văn Miếu Trấn Biên gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý xứ Đồng Nai và sáp nhập vùng đất này vào nước Việt. 17 năm sau, tức năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây Văn Miếu Trấn Biên, để thể hiện tư tưởng tôn vinh Nho giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài và tiếp nối truyền thống văn hóa của người Việt ở phương Nam.

Công trình đã có hai lần trùng tu lớn là năm 1794 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, và năm 1852 thời vua Tự Đức. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và đã phá bỏ công trình này. Mãi tới năm 1998 – kỷ niệm 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; Văn Miếu Trấn Biên mới được phục dựng trên nền đất cũ có diện tích khoảng 5 ha, trong đó khu thờ chính rộng 2 ha và hoàn thành xây dựng sau 4 năm. Ảnh: Nhà bia phía sau Văn Miếu Môn.

Văn Miếu Trấn Biên được phục dựng theo các tư liệu cổ như Đại Nam Nhất Thống Chí, Gia Định Thành Thông Chí. Các hạng mục công trình được xây đối xứng theo một trục thần đạo; lần lượt từ ngoài vào là Văn Miếu Môn, nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Đại Thành Môn, tượng Khổng Tử, sân hành lễ, Nhà thờ chính. Hai bên có các nhà tả - hữu là nhà Đề danh - nhà truyền thống, Thư khố - Văn vật khố. Công trình được xây với vật liệu mới nhưng vẫn tuân theo phong cách truyền thống. Ảnh: Khuê Văn Các là một lầu cao 2 tầng với 3 tầng mái; có cầu thang đi lên. Ở trên Khuê Văn Các có thể ngắm toàn cảnh quần thể công trình.

Ô cửa tròn tượng trưng cho sao Khuê (tương tự Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội) đã được tái hiện ở Văn Miếu Trấn Biên.

Phía sau Khuê Văn Các là một hồ rộng có tên Tịnh Quang. Các công trình ở đây đều được lợp ngói thanh lưu ly (ngói men màu xanh ngọc).

Các công trình có bố cục hài hòa. Xen giữa các công trình là cây xanh lấy bóng mát và nhiều loại cây cảnh, cùng mặt nước tạo nên một không gian thoáng đãng.

Tiếp theo, sau hồ Tịnh Quang là Đại Thành Môn. Đây là một hạng mục kiến trúc đặc trưng của các Văn Miếu, dẫn vào khu thờ chính. Đại Thành Môn có kiến trúc kiểu tam quan, mái ngói; hai phía có tường gạch hoa.

Sau Đại Thành Môn là tượng Khổng Tử - ông tổ của Nho giáo, đặt dưới một kiến trúc có mái, tiếp theo là sân hành lễ và nhà thờ chính.

Tượng Khổng Tử được tạc bằng đá nguyên khối, thực hiện theo mẫu từ Di sản thế giới Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).

Nhà thờ chính là một kiến trúc 7 gian, hai chái với 3 tầng mái; có nhiều chi tiết đậm tính dân tộc, bên trong cột, kèo và các bao lam, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Đây là nơi thờ tự những danh nhân văn hóa Việt Nam. Phía trước là sân rộng để hành lễ và tổ chức các sự kiện văn hóa.

Gian chính giữa nhà thờ là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên trái là nơi đặt bài vị và thờ tự những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam Bộ xưa; bên phải là nơi đặt bài vị và thờ tự danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.

Phía trước hai bên nhà thờ chính là: Văn vật khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm); đăng đối với Văn vật khố là Thư khố - nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay. Ảnh: Tấm bia đá có khắc chữ “Văn” trong nhà Thư khố.

Hình ảnh ông đồ dạy trẻ được tái hiện sinh động trong nhà Thư khố. Ngày 18/8/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng cấp Quốc gia với Di tích lịch sử Văn Miếu Trấn Biên.

Văn Miếu Trấn Biên là một địa chỉ văn hóa đặc biệt ở Biên Hòa (Đồng Nai). Với không gian thoáng đãng và kiến trúc đặc sắc, đậm truyền thống văn hóa, hiếu học; nơi đây là điểm tổ chức nhiều sự kiện của địa phương như lễ Tết thầy cho học sinh, lễ hội hoa xuân, lễ hội báo xuân, lễ hội thơ, lễ báo công, lễ viếng tiền nhân… Đây là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị truyền thống, là nơi tưởng nhớ tổ tiên của người Việt ở phương Nam./.

CTV Hà Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/anh-cua-ban/tham-van-mieu-tran-bien-hon-300-nam-tuoi-871081.vov