Âu lo còn mất nghề 'ăn cơm trần gian làm việc âm phủ'

Không đen đủi, lam lũ, 'bụi bụi' như tưởng tượng, Phạm Thành Tâm trông rất lịch lãm, nói năng cẩn trọng. Thân hình anh vạm vỡ, chắc nịch, khiến tôi liên tưởng tới Yết Kiêu, danh tướng đánh thủy tài giỏi của nhà Trần thời Đại Việt.

Âu lo còn mất nghề "ăn cơm trần gian làm việc âm phủ"

Nhọc nhằn và nguy hiểm

Tôi cùng bác sĩ sinh lý lặn Doãn Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Vận tải Thăng Long (Trường TCGTVT Thăng Long), gặp Phạm Thành Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn của trường, là một trong những thợ lặn đầu tiên của Việt Nam nay định nghiệp tại TP Hải Phòng. Hỏi cơ duyên với nghề? Tâm nói chắc đinh:

- Tôi công tác tại Tổng Công ty Xây dựng cầu Thăng Long từ năm 1974, được cử xuống Hải Phòng học nghề lặn với chuyên gia Liên Xô. Tôi cũng từng được chuyên gia lặn Trung Quốc "cầm tay chỉ việc". Khi Liên Xô thay thế Trung Quốc xây dựng cầu Thăng Long thì đội thợ lặn của ta đã khá thạo việc. Cả 14 trụ cầu qua sông Hồng xây dựng từ năm 1974, hoàn thành vào năm 1985 có đóng góp không nhỏ của những người thợ lặn.

Trước khi về trường làm Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn, Tâm đã tham gia nhiều công trình xây dựng trên sông, trên biển theo điều động của ngành GTVT: Trục vớt cứu hộ, cứu nạn tàu đắm khắp nơi, xây âu tàu tránh bão ở đảo Bạch Long Vĩ... Lặn xây dựng hai trụ điện từ đảo Cát Hải sang đảo Cát Bà; thông luồng thả phao ở cảng Hòn Gai ra cửa Dứa; cùng thợ lặn Nhật Bản khoan, nạo vét đáy biển xây dựng cảng Cái Lân!...

Tự dưng Tâm nhíu đôi chân mày lưỡi kiếm dưới vầng trán rộng, ấn đường sáng sủa, bừng bừng trí lực của người đàn ông tuổi Ất Mùi (1955), cao giọng nối mạch chuyện: Nghề lặn với tôi, đâu đâu cũng đằm sâu trong ký ức, nhưng lặn ở cầu Bến Thủy qua sông Lam thì khó phai mờ.

Địa chất đáy sông phức tạp. Các trụ 6, 7, 8 ở giữa lòng sông vừa làm xong trụ móng thì gặp lũ khủng vặn nát (năm 1988). Lệnh của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu: "Phải đẩy nhanh tiến độ, thông cầu kỹ thuật vào ngày 15/5 để kịp mừng sinh nhật Bác", nên phương án tối ưu là phải giữ cho được trụ cũ. Đội quân lặn của trường được điều vào. Công việc khó khiến tôi phải sắm trọn hai vai "vừa thầy vừa thợ". Làm việc ở độ sâu 17 - 18m so với mặt nước, áp suất nước lớn vô cùng nguy hiểm, máy móc thiết bị lại hạn chế. Để an toàn khi cắt trụ thì phải chuyển máy cắt từ Sài Gòn ra, tiến độ chậm lại cả tuần.

Chính tôi là người thực hiện việc cắt thép trụ cầu dưới nước. Mọi người chờ đợi và lo lắng, nhưng tôi vẫn bình thản nói để anh em yên tâm: Nếu không may, tôi hy sinh thì xin mỗi người một nén hương! Nếu thành công thì ta mở tiệc liên hoan!... Kết cục, khung vây ván thép được hạ an toàn, việc thi công trụ cầu rộn lên trong tiếng reo hò của đồng đội!... Giọng Tâm nghẹn lại với ký ức của một thời hào hùng, quyết liệt, xây dựng đất nước thân yêu...

Ban Giám khảo cấp chứng chỉ, hội ý tại hiện trường.

Bác sĩ sinh lý lặn, Hiệu trưởng Trường TCGTVT Thăng Long Doãn Quốc Hưng kiểm tra buồng tăng áp.

Thương hiệu sáng giá

Trên xe trở lại Hà Nội, tôi vẫn không buông chuyện lặn với Doãn Quốc Hưng. Bởi, anh là người trong cuộc, từng là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn, trước khi đảm trách cương vị hiệu phó rồi hiệu trưởng. Hơn nữa, Hưng là bác sĩ sinh lý chuyên ngành lặn, gần 30 năm gắn bó với nghề đào tạo lặn, nay là hiệu trưởng đánh vật với cơ chế, gian nan nghiệt ngã nên chẳng sự việc nào là anh không tỏ tường.

Đôi gò má đầy đặn, xương không lộ, chỉ thế cũng đủ biết Hưng là người điềm đạm, tính tình ổn định, nghĩa khí, luôn yêu quý những người biết lắng nghe. Giọng mạch lạc, lời lẽ như khắc vào tâm trí người nghe: Ngày nay, đào tạo thợ lặn có tầm quan trọng rất đặc biệt để thực hiện trong các lĩnh vực xây dựng các công trình ngầm trong lòng sông, đáy biển.

Đặc biệt công tác an toàn liên quan đến nghề lặn. Cho nên, rất cần đội ngũ thợ lặn có tay nghề chuyên sâu và đa dạng ở tầm quốc tế và khu vực. Suốt mấy chục năm nay, trường đã đào tạo hơn 400 thợ lặn với nhiều chuyên ngành như: Lặn thi công, trục vớt cứu hộ, quay phim, chụp ảnh dưới nước, lặn các độ sâu khác nhau...

Trường đã liên kết với các tổ chức quốc tế để đào tạo lặn khảo sát, lặn hàn cắt kim loại dưới nước cấp chứng chỉ Lloyd’s Register. Trường đã đào tạo 24 thợ lặn cho Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsopetro về hàn cắt kim loại dưới nước (trong đó có 5 thợ lặn người Nga). Ngoài ra, trường còn đào tạo thợ lặn phục vụ cho công tác an ninh, quốc phòng, với gần 100 thợ lặn cho Bộ Quốc phòng, 30 cảnh sát PCCC của TP Hồ Chí Minh làm công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, 25 thợ lặn cho Liên hiệp xí nghiệp Trục vớt cứu hộ biển Việt Nam... Đào tạo lặn đã thành thương hiệu sáng giá của nhà trường.

Trong hơn 30 năm phát triển của trường, kể từ 1985, đến nay nhà trường đã đào tạo trên 30.000 học sinh, với rất nhiều chuyên ngành như máy xây dựng, công trình... các Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Thực hành sản xuất; Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn phía Bắc và phía Nam... "Chúng tôi luôn ghi công và tri ân sự đóng góp của lớp người đi trước, trong đó có những hiệu trưởng như thầy Nguyễn Văn Tấn, Lê Tiến Bổng… Các thầy giáo đầu tiên của Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn như thầy Tâm A (ở TP Hồ Chí Minh), Tâm B (ở miền Bắc)...

Từ năm 2012, trường trúng liền 2 gói thầu đào tạo thợ lặn hàn cắt kim loại dưới nước của Dầu khí Việt - Nga Vietsopetro, tạo đà cho trường hồi phục. Vậy, trường là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đào tạo thợ lặn hàn cắt dưới nước có mã hiệu đạt chuẩn quốc tế, có quy trình lặn hàn ở mọi cấp độ nông, sâu. Nhờ đó mà nhiều công ty chuyên nghề xây dựng lặn mới có nhân lực để tham gia và thắng nhiều gói thầu, góp sức quan trọng vào ngành dầu khí và các lĩnh vực xây dựng, an ninh quốc phòng của đất nước, bởi các công ty này có rất nhiều thợ lặn giỏi được đào tạo từ nhà trường...

Đôi điều trăn trở…

Thợ lặn chuẩn bị lặn sát hạch để được cấp chứng chỉ.

Chu Phan, huyện Mê Linh (Hà Nội) nơi thầy Nguyễn Văn Tấn cư trú sau 18 năm làm hiệu trưởng. Ở tuổi 77 thầy vẫn minh mẫn, sôi nổi nói về lịch sử đào tạo thợ, trong đó có dấu ấn sâu sắc nhất, hơn nhất vẫn là xây dựng nghề đào tạo lặn của trường. Những lớp thợ lặn ban đầu nay nhiều người lên làm thầy, có thực tế có phương pháp sư phạm. Tiêu biểu như thầy Phạm Thành Tâm, Nguyễn Văn Mạnh hiện là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật lặn và thực hành sản xuất, Nguyễn Văn Tình nay là Giám thị lặn cho Công ty TNHH Trung Tín...

Cụ Tấn gói cuộc chuyện gọn vo, như sự đời có quả ắt có nhân. Nói cho đúng vì cần thợ lặn nên Bộ GTVT mới cho thành lập trường. Trường nổi đình đám cũng nhờ giỏi huấn luyện kỹ thuật lặn. Xưa cần một, nay thợ lặn cần trăm, cần ngàn vẫn chưa thể nói là đủ. Tôi rất nhớ lời này của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi khánh thành cầu Thăng Long: "Xây dựng được cầu là quý, nhưng quý hơn là có đội ngũ công nhân thành thạo"!...

Lại nhớ hôm gặp thầy Lê Tiến Bổng dưới mái trường xưa. Ông nguyên là hiệu trưởng ở thời điểm khắc nghiệt nhất, trường không còn được cấp kinh phí đào tạo, nhiều cán bộ giỏi tìm lối ra đi, nghề lặn gần như bị lãng quên. Mọi việc như làm lại từ đầu, phải làm khác và tốt hơn, trong đó có nghề lặn. Bởi lẽ lặn cần lắm lắm cho ngành dầu khí, cho các giàn khoan trên biển, cho xây dựng an ninh quốc phòng, cho phát triển kinh tế, cho tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ...

Cái mà thầy Bổng tạo nên, ấy là liên kết với Viện hàn Slovakia để đào tạo thợ hàn công nghệ cao (MIG, TIG, MAG) trình độ 3G đến 6G cấp chứng chỉ châu Âu, đạt trình độ quốc tế... Thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo lặn quốc tế như: IMCA, PADI trụ sở tại Mỹ cấp chứng chỉ lặn hàng đầu thế giới; Tổ chức Hiệp hội lặn quốc tế Interdive Services Ltd của Anh quốc cấp chứng chỉ cho các thợ lặn chuẩn Lloyd’s Register qua đào tạo tại trường.

Chiều muộn, chuẩn bị đến hiện trường thăm lớp "Gia hạn lặn khảo sát cấp chứng chỉ quốc tế Lloyd’s Register" cho 14 thợ lặn, tôi nhận ra nét vui và cả nỗi âu lo khi ẩn khi hiện trên khuôn mặt đã đứng tuổi của Doãn Quốc Hưng. Có lẽ Hưng vui vì Trường TCGTVT Thăng Long với 18 nghề chuyên sâu, nay đã khỏe khoắn lên nhiều, trong đó đào tạo huấn luyện lặn luôn là trọng điểm giúp cho đất nước, cho dân gian có kiến thức về lặn để tránh các tai biến, bệnh tật do nghề lặn gây nên.

Vui đấy, nhưng Hưng vẫn đau đáu nỗi lo, mai này nghề lặn có được chăm lo, phát triển. Bởi, nghề lặn rất cần cho xây dựng, phát triển đất nước, rất cần những Yết Kiêu thời hiện đại, những người "ăn cơm trần gian làm việc âm phủ"… Nhưng với cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, việc chăm lo cơm áo gạo tiền cho gần 60 con người cùng gia đình họ còn nhiều nan giải. Vì thế lo âu của Hưng, của tập thể CBCNV, GV là hiện hữu, về một nghề đào tạo đặc biệt của Việt Nam cũng "dễ chìm sâu"...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/au-lo-con-mat-nghe-an-com-tran-gian-lam-viec-am-phu-20200713172050331.html