ATM hành chính, bước tiến dài trong cải tổ bộ máy nhà nước

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND quận 6 đã đưa vào sử dụng máy ATM nhận và trả hồ sơ tự động đầu tiên ở Việt Nam.

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND quận 6 đã đưa vào sử dụng máy ATM nhận và trả hồ sơ tự động đầu tiên ở Việt Nam.

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND quận 6 đã đưa vào sử dụng máy ATM nhận và trả hồ sơ tự động đầu tiên ở Việt Nam.

Qua hơn một tháng, người dân đã quen và sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ này trong việc nộp và nhận hồ sơ hành chính.

Anh Nguyễn Kim Tư đang nộp và nhận phiếu hẹn tại ATM quận 6

Anh Nguyễn Kim Tự (nhà ở phường 11, quận 6) cho biết, việc đưa vào sử dụng máy nhận và trả hồ sơ rất nhanh gọn, tiết kiệm thời gian. Khi chưa có ATM này, người dân đến UBND quận bốc số, chờ đợi gọi tên. Nộp hồ sơ còn thiếu thì cán bộ yêu cầu này nọ, bổ sung và hoàn thiện.

“Nếu cán bộ nhiệt tâm, họ hướng dẫn một lần, nhưng nếu không nhiệt tâm thì người dân sẽ đi lại rất nhiều lần. Nay, với máy ATM hành chính, người dân đến nộp hồ sơ bất cứ lúc nào, kể cả ngoài giờ hành chính. Thành phần hồ sơ máy cũng hướng dẫn đầy đủ, không phiền hà đi lại nhiều lần như trước đây”, anh Tư chia sẻ.

Chị Như Thị Bích Thu vừa nộp hồ sơ và nhận phiếu hẹn trả hồ sơ từ máy ATM cho hay, thao tác trên máy đơn giản, nhanh chóng đến không ngờ. Từ khi vào máy nộp hồ sơ, đến khi nhận được phiếu hẹn từ máy in ra chỉ mất khoảng 4-5 phút.

Chị Nguyễn Thị Bích Thu đang thao tác nộp hồ sơ trên máy ATM hành chính tại quận 6

“Trước đây tôi đi nộp hồ sơ phải đúng giờ hành chính, nay thì sáng, trưa và chiều tối đều nộp được hồ sơ và kết quả nhận lúc nào cũng được. Làm được thế này thì quá tiện lợi cho người dân… ”, lời chị Thu.

Chia sẻ về ATM hành chính, Phó chủ tịch UBND quận 6 Vương Thanh Liễu, thông tin, mô hình chỉ mới vận hành các thủ tục đơn giản để người dân dễ thực hiện như nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cấp lại giấy phép xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND quận 6 Vương Thanh Liễu

Hay thực hiện trả hồ sơ 8 thủ tục hành chính mức độ 3 không thu phí là thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, cấp giấy phép đào đường vỉa hè, cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè, thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà ở…

Hiện số thủ tục hành chính phải giải quyết của quận 6 lên đến 176 thủ tục các loại, máy ATM chưa thể chuyển tải hết. Vì thế, quận 6 sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý các khiếm khuyết cũng như cải tiến dần ATM này để phục vụ người dân tốt hơn. Quận 6 cũng sẽ triển khai đồng bộ ra toàn quận, sau giai đoạn đầu sơ kết, đánh giá.

Làm hồ sơ không cần giấy bút

Cách nơi đặt ATM hồ sơ của quận 6 khoảng hơn 5km là UBND quận 1, nơi vừa ra mắt dịch vụ “định danh khách hàng điện tử” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện đăng ký thủ tục hành chính không giấy.

Đây là mô hình ứng dụng số hóa dịch vụ hành chính công bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, với giải pháp định danh khuôn mặt. Người dân khi đăng kí làm thủ tục hành chính trực tuyến chỉ cần chụp hình hai mặt giấy chứng minh nhân dân, gửi vào hệ thống thì sẽ được tự động nhận diện, điền vào biểu mẫu có sẵn, độ chính xác lên đến 99%.

Sau khi trải nghiệm dịch vụ, ông Phạm Bích Tiu - một người dân quận 1 cho hay hệ thống rất hiện đại và tiện ích, giúp người dân bớt thời gian thực hiện thủ tục bằng giấy, bút như trước đây.

ông Phạm Bích Tiu đang thao tác trên hệ thống máy định danh khách hàng điện tử của UBND quận 1

Đến nay quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính “không giấy” trên 6 lĩnh vực, triển khai dịch vụ công trực tuyến đồng bộ trên 44 thủ tục hành chính cấp quận, 25 thủ tục hành chính cấp phường và tiến hành tích hợp liên thông dữ liệu với trục liên thông dữ liệu của TP.

“Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có sự chuyển biến mạnh và đến năm 2020 đạt tỷ lệ 99,99%”, Chủ tịch quận Nguyễn Văn Dũng thông tin.

Với mô hình này, mục tiêu của quận 1 là giảm sự tương tác trực tiếp giữa đội ngũ cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp, nhưng việc giải quyết thủ tục nhanh hơn, chính xác hơn.

Người dân quận 1 đến nộp hồ sơ trên hệ thống định danh khách hàng điện tử tại UBND quận

Với người dân, khi đã một lần sử dụng dịch vụ trên, các thông tin sẽ được lưu giữ, phục vụ việc đăng ký giải quyết thủ tục hành chính những lần sau.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM nhận xét, mô hình ATM hành chính tại quận 6 và mô hình định danh khách hàng điện tử là nỗ lực thay đổi quy trình cung cấp sản phẩm, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn với sự hỗ trợ của công nghệ.

Sự ra đời của các mô hình trên giúp chính quyền có thêm một kênh giải quyết thủ tục hành chính giữa người dân và chính quyền. Qua đó, thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động. Các sáng kiến để giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, quận, huyện có thể được nhân rộng ra các địa phương.

“Ở tầm quận, huyện và sở, ngành, các mô hình nói trên là một hình thức thay thế việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, phục vụ người dân và DN tốt hơn. Nhưng ở tầm TP thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ thay thế cả một thể chế chính sách, khi đó người dân và DN cũng phải vận động theo sự thay đổi đó”, Bà Trinh cho biết.

Hướng chuyển đổi số tới mục tiêu tăng trưởng

Với tiến trình chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% – 25% GRDP của TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với báo chí về chương trình chuyển đổi số của TP.HCM

“Việc đưa chương trình chuyển đổi số vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của TP trong thực hiện chuyển đổi số. Đây là xu hướng tất yếu của toàn cầu, nếu không thực hiện thì sẽ tụt hậu”, ông Phong chia sẻ.

Theo người đứng đầu chính quyền TP, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM đã công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.

“Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố chương trình chuyển đổi số”, ông Phong khẳng định.

Mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030, TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

“TPHCM luôn ý thức rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tác động toàn diện đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ. Do đó, đặt ra yêu cầu TP phải nỗ lực nhiều hơn đưa chương trình chuyển đổi số trở thành một nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép”, ông Phong chia sẻ.

TP Thủ Đức, nơi sẽ tiên phong xây dựng đô thị thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của TP.HCM

“Vừa qua, TP Thủ Đức được thành lập trên nền tảng xây dựng khu sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Đây là mô hình tiên phong xây dựng đô thị thông minh của TP, tiến tới thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, góp phần vào mục tiêu đến 2025, chuyển đổi số đóng góp 25% GRDP của TP”, ông Phong khẳng định.

Năm 2021, TPHCM xác định các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025; triển khai đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2030; thực hiện triển khai chương trình Chuyển đổi số năm 2021; thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2021; triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020 – 2030”.

Việt Nam sẽ vào nhóm 30 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số Một định hướng lớn cho hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong khoảng 5 năm tới là tuyên bố và hiện thực hóa Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Bản chiến lược này đã được Bộ TT&TT hoàn thiện, trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Chiến lược, tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Chiến lược phát triển Chính phủ số xác định 5 nhóm mục tiêu chính: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; Vận hành tối ưu hoạt động của cơ quan nhà nước; Giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; và thay đổi đột phá thứ hạng quốc gia. Riêng về thứ hạng, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.

Hồ Văn

Ảnh: Thanh Tùng

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/atm-hanh-chinh-buoc-tien-dai-trong-cai-to-bo-may-nha-nuoc-n-474467.html