ATK không nguôi nhớ Người

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng nhiều hy sinh, gian khổ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần về thăm quê hương. Nhưng con người và mảnh đất Thái Nguyên vinh dự, tự hào được 7 lần đón Bác về thăm, động viên từ sau khi Người chia tay với đồng bào vùng Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến cuối đời. Qua đó, có thể thấy được tình cảm mà Người đã dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đặc biệt sâu sắc và lớn lao nhường nào.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).

Tự hào là Trung tâm vùng ATK

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ phong kiến mấy nghìn năm, lập nên nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy đã chính thức tuyên bố độc lập nhưng tình thế ở nước ta lúc này được ví như "ngàn cân treo sợi tóc" bởi muôn vàn khó khăn. Tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau lời kêu gọi, Bác đã quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não và lực lượng chủ chốt lên vùng an toàn nhằm bảo toàn, củng cố và phát triển lực lượng. Định Hóa (Thái Nguyên) cung với Sơn Dương (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm an toàn khu trong kháng chiến.

Đêm 19 rạng sáng 20/5/1947, Bác đến Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa) sau một hành trình dài bí mật. Từ đây, Định Hóa chính thức trơ thành trung tâm ATK, thủ phủ căn cứ địa kháng chiến. Ngay ngày đầu tiên về với Định Hóa, Bác đã được đồng bào đùm bọc, yêu thương và kính trọng. Cũng tại đây, Bác đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng họp bàn và đưa ra những quyết sách đưa cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng đi đến thắng lợi. Ngày 28/5/1948, tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, Bác Hồ đã chủ trì Lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của Việt Nam cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiêu vị tướng khác. Ngày 6/1/1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định mở Chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950. Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ...

Đến nay, dù đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng dấu ấn lịch sử trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, cùng ăn, cùng ở với đồng bào của Bác Hồ vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi người dân Thái Nguyên.

7 lần đón Bác về thăm

Sau khi giải phóng Thủ đô, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội. Tuy đã chia tay với ATK, Bác vẫn dành cho đồng bào các dân tộc Thái Nguyên tình cảm đặc biệt. Chỉ sau 2 tháng sau ngày trở về tiếp quản Thủ đô, tháng 12-1954, Bác đã đến tham dự và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang. Sau đó, Bác đã đến với nhân dân xã Đồng Tiến (Phổ Yên) và ân cần thăm hỏi đời sống của bà con. Cũng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (1955), Bác đến chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ công trường đập Thác Huống (Phú Bình), nơi máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952.

Ngày 2/3/1958, Bác về thăm kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay là xã Đào Xá, Phú Bình) động viên đồng bào tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống. Sau đó, Bác đến thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đai Từ. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Thái Nguyên, đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của công trường và ân cần nhắc nhở anh, chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép. Ngày 13/3/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với can bộ, đồng bào trong tỉnh trong cuộc họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa.

Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý. Bác căn dặn: Ngoài việc học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp, các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt,... Người nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý: Cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho đời sống ngày một no ấm.

Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh), Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao... Hôm sau (ngày 1/1/1964), Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... Nói chuyện với 45 nghìn cán bộ, công nhân, nhân dân Thái Nguyên tại sân vận động T.P Thái Nguyên trong ngày đầu năm, Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy…”

Vâng lời Bác, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên không ngừng phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng cùng đức tính cần cù... Thái Nguyên đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta như Người từng mong muốn.

H.A

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/atk-khong-nguoi-nho-nguoi-281224-97.html