Át chủ bài trong 'ngoại giao UAV' của Thổ Nhĩ Kỳ

Thông tin Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tiến hành đàm phán mua 120 máy bay không người lái (UAV) với nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ Baykar vừa được trang tin The Defense Post tiết lộ.

Theo đó, Baykar và cơ quan mua sắm vũ khí của UAE Tawazun đã khởi động đàm phán về thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD này từ hồi tháng 3. Ngoài số UAV trên, thỏa thuận còn bao gồm một số bom dẫn đường thông minh dòng MAM-L, cùng với việc đào tạo và chuyển giao các trạm điều khiển UAV.

Cụ thể, mỗi chiếc Bayraktar TB2 trị giá 5 triệu USD đi kèm với 100 quả bom dẫn đường MAM-L có giá khoảng 10 triệu USD. Mỗi trạm điều khiển UAV có thể điều hành cụm 6 chiếc Bayraktar TB2. Ngoài ra, một số chi tiết của loại UAV này có thể sẽ được sản xuất tại nhà máy Baykar của UAE.

 Máy bay không người lái Bayraktar TB2. Ảnh: AFP

Máy bay không người lái Bayraktar TB2. Ảnh: AFP

Bayraktar TB2 được coi là quân át chủ bài trong việc giúp Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục lại mối quan hệ với UAE sau 10 năm gián đoạn vì xung đột chính trị tại các khu vực như Libya, Ai Cập và vùng Sừng châu Phi. UAE là khách hàng mới nhất, song không phải là khách hàng duy nhất muốn sở hữu Bayraktar TB2. Thực tế cho thấy, dòng UAV này của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên đắt hàng nhờ tính đa năng trong thực chiến.

Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, có thể hoạt động trên không suốt 27 giờ, duy trì tốc độ 200km/giờ, độ cao tối đa 7.600m, được trang bị 4 quả bom dẫn đường MAM-L, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất là 150km. Loại UAV này tỏ ra rất hiệu quả khi được sử dụng để xác định vị trí mục tiêu, ném bom mục tiêu hoặc thu hút hỏa lực đối phương.

“Trước đây, nếu muốn tìm kiếm các vị trí của đối phương, bạn sẽ phải cử lực lượng đặc biệt đi trinh sát... và bạn có thể mất một số quân... Bây giờ, tất cả những gì bạn cần là một chiếc UAV”, theo Tiến sĩ Marina Miron, nhà nghiên cứu quốc phòng tại King's College London.

UAV được đánh giá là một loại vũ khí quan trọng trong chiến tranh hiện đại, có thể làm thay đổi cục diện chiến trường. Tác chiến UAV, khi được thực hiện trên quy mô lớn, là quá trình điều phối ở mức độ cao có chủ đích, tích hợp tác chiến điện tử, trinh sát và tấn công.

Tất nhiên, những loại UAV như Bayraktar TB2 cũng có nhược điểm: Chúng di chuyển tương đối chậm và chỉ bay ở độ cao trung bình nên dễ bị phát hiện và bắn hạ. Sức mạnh của Bayraktar TB2, cũng như bất kỳ loại UAV nào, không thể sánh được với sức mạnh của máy bay quân sự thông thường.

Một vài nhược điểm trên không thể ngăn cản Bayraktar TB2 trở thành loại vũ khí được xuất khẩu nhiều nhất thế giới trong thời gian gần đây. Các quốc gia như Bangladesh, Romania và Serbia đã công bố kế hoạch mua Bayraktar TB2, còn Ba Lan và Morocco đã ký hợp đồng mua loại UAV này từ năm ngoái.

Theo Paul Melly, chuyên viên tư vấn của Chương trình châu Phi tại Chatham House ở London (Anh), các quốc gia châu Phi cũng ngày càng chuộng loại UAV này.Những tuần gần đây, một lô hàng Bayraktar TB2 đã được chuyển đến Togo ở Tây Phi, nơi đang vật lộn để kiềm chế các tay súng thánh chiến từ Burkina Faso.

Hồi tháng 5, Niger đã mua 6 chiếc UAV cho các hoạt động quân sự chống lại các nhóm nổi dậy ở khu vực Sahel. Ethiopia, Tunisia và Angola cũng rất quan tâm tới Bayraktar TB2. Giám đốc điều hành Baykar Haluk Bayraktar cho biết, nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn lượng đơn đặt hàng tồn đọng tới 3 năm, với năng lực sản xuất là 20 chiếc UAV mỗi tháng.

Lý giải cho xu hướng này, các nhà nghiên cứu quốc phòng cho rằng UAV mang lại cơ hội phát triển sức mạnh không quân đáng kể mà không tốn nhiều chi phí vũ khí, hạ tầng cơ sở và thời gian đào tạo nhân lực cần thiết để phát triển lực lượng không kích thông thường như máy bay chiến đấu có người lái.

Bên cạnh đó, khả năng cơ động tác chiến trên nhiều loại địa hình của UAV khiến nó càng trở nên hấp dẫn. Thổ Nhĩ Kỳ đã biết tận dụng cơ hội và xu hướng để biến việc sản xuất UAV thành thế mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng nước này, từ đó tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia trên thế giới.

“Ngoại giao UAV” và quan hệ đối tác quân sự đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, góp phần giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với các nước vùng Vịnh cũng như tăng cường ảnh hưởng ở khu vực châu Phi.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/at-chu-bai-trong-ngoai-giao-uav-cua-tho-nhi-ky-705866