Át chủ bài giá dầu của Iran

Ngoại trưởng Iran đã đưa ra tuyên bố chính thức sau khi nhận được lời mời chào 'đàm phán vô điều kiện' từ Ngoại trưởng Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif ngày 2/6 phát biểu trước truyền thông: "Iran không cần một nhà trung gian hòa giải nào mà thay vào đó, Mỹ cần chấm dứt cuộc chiến tranh kinh tế mà Washington phát động nhằm vào chúng tôi".

Ông Zarif nói thêm: "Chỉ khi nào sự thù địch này chấm dứt, tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi. Đàm phán giữa chúng tôi và Mỹ chỉ còn ý nghĩa nếu Mỹ tuân thủ những nghĩa vụ của họ.

Và Tehran sẽ nhấn mạnh rằng họ (Mỹ) sẽ không bao giờ nhận được một thảo thuận tốt hơn thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) được ký năm 2015. Đáng tiếc là Washington đã hủy bỏ bản kế hoạch đáng quý đó".

Lời khẳng định chính thức này của Ngoại trưởng Iran được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một cuộc họp báo tại Thụy Sỹ: "Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Iran để giảm căng thẳng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các sức ép để kìm chế mối đe dọa từ quốc gia này".

Ngoại trưởng Iran: "Không đàm phán nếu Mỹ không gỡ bỏ trừng phạt"

Ngoại trưởng Iran: "Không đàm phán nếu Mỹ không gỡ bỏ trừng phạt"

Như vậy Mỹ và Iran đang tiếp tục cuộc đối đầu trên mặt trận ngoại giao và cuộc chiến tranh tâm lý được xoay chuyển sang một tình thế khác. Mỹ đã đưa ra chiêu bài "gương mặt thân thiện" khi chìa ra lời khẳng định đàm phán vô điều kiện. Họ đẩy vào tay Iran ngọn đuốc và chụp mũ Iran mới là bên gây căng thẳng cho khu vực.

Còn Iran đáp trả lại với một quan điểm duy nhất, xuyên suốt: không đàm phán nếu không giải quyết gốc rễ vấn đề. Mà gốc rễ đó bắt nguồn từ việc Mỹ rút khỏi JCPOA từ tháng 5/2018 và tiến hành trừng phạt Iran về năng lượng.

Nói cách khác, Iran không còn tin tưởng vào bất cứ đàm phán mới nào với Donald Trump. Các thỏa thuận được ký với ông Trump chỉ đơn giản là một tờ giấy vô nghĩa nếu vị Tổng thống doanh nhân này nhận thấy nó không còn phù hợp.

Vậy Iran có trong tay quân bài nào để đối phó với Mỹ và đưa ra những áp đặt yêu sách như vậy? Quân đội Iran có thể tiêu diệt được một biên đội tàu sân bay tấn công của Mỹ. Nhưng nếu cuộc chiến tranh tổng lực diễn ra và Lầu Năm Góc sử dụng tới toàn bộ sức mạnh của Đệ Ngũ Hạm đội sẽ ra sao?

Và đây, Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, phụ tá và là cố vấn của Lãnh đạo tối cao Ali Ali Khamenei, nói rằng giới chức Mỹ sẽ không lao vào chiến tranh chống lại Iran nếu họ quan tâm đến sự thịnh vượng kinh tế của đất nước mình.

"Chỉ một phát súng đầu tiên bắn vào Iran sẽ ngay lập tức đẩy giá dầu trên thế giới lao qua ngưỡng 100 USD/thùng. Sẽ không ai được hưởng lợi, những cái giá rất lớn mà kinh tế Mỹ phải trả nếu cuộc xung đột toàn diện nổ ra" - Tướng Safavi đánh giá.

Việc Iran bị siết xuất khẩu đã đẩy sản lượng của nước này năm 2017 từ 3 triệu thùng/ngày còn 800.000 thùng/ngày theo thống kê tháng 4/2019. Khó khăn là chồng chất với Iran - quốc gia có nền kinh tế vốn phụ thuộc gần như toàn bộ vào ngành xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên tham vọng đưa xuất khẩu dầu Iran về 0 của Mỹ là chưa thể thực hiện được.

Nếu Mỹ tấn công Iran, cuộc chiến Trung Đông sẽ nổ ra và lôi kéo cả những quốc gia như Arab Saudi, UAE, Qatar, Oman, Iraq,... vào cuộc. Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển Hormuz để đối phó quân sự. Cần nhớ rằng 3/4 dầu vùng Vịnh đi qua eo biển này.

Phó Đô đốc Mỹ Jim Malloy, chỉ huy Hạm đội 5: "Nếu cần, toàn bộ sức mạnh của Hạm đội 5 sẽ được sử dụng ngay lập tức".

Và sự bất ổn đó khiến giá dầu thế giới leo thang. Giá dầu vốn đã đang ở mức 62 USD/thùng (dầu Brent, ngày 3/6), mức giá đảm bảo lợi nhuận cho Mỹ. Washington siết xuất khẩu dầu của Iran, nhưng các tập đoàn của họ nhanh chóng chiếm thị trường mà Iran bỏ lại.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định trên tờ Bloomberg, nền kinh tế Mỹ sẽ nhận hậu quả nếu giá dầu lên 100 USD/thùng. Mức giá dầu cao như vậy sẽ khiến nhiều người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới phải "thắt chặt hầu bao", trong khi tiêu dùng là lĩnh vực đóng góp chủ lực vào GDP của Mỹ. Nên nhớ rằng, giá dầu thế giới tăng cao đã khiến giá bán lẻ xăng ở Mỹ tăng hơn 7% trong tháng 4 và đang tiếp tục đà tăng trong tháng 5.

Nếu giá dầu còn tiếp tục tăng, chính quyền ông Trump có thể bị chỉ trích về việc trừng phạt Iran. Hoạt động đầu tư có thể chững lại, đe dọa sự vững vàng mà kinh tế Mỹ duy trì được cho đến nay.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, kể từ mức 80 USD/thùng trở đi, cứ mỗi 10 USD tăng tiếp theo cho giá dầu dự kiến sẽ làm tổng GDP thế giới giảm 0,6%, trong khi lạm phát toàn cầu tăng 0,7%. Giá dầu tăng sẽ tác động trực tiếp vào các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...

Trong một cục diện khủng hoảng toàn cầu như vậy, rắp tâm leo thang chiến tranh với Iran chỉ khiến Washington kích hoạt quả bom cảm tử đánh thẳng vào nền kinh tế toàn cầu. Và tất nhiên là quốc gia có kinh tế lớn nhất thế giới, họ cũng sẽ là bên chịu tác động nặng nề nhất.

Có vẻ như, trong tương lai, Mỹ vẫn duy trì trừng phạt vào Iran để kiếm lợi. Và Iran cũng đã "nhìn rõ tim đen", họ cũng chỉ đặc biệt yêu cầu: chấm dứt trừng phạt thì mới đàm phán.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/at-chu-bai-gia-dau-cua-iran-3381212/