'Át chủ bài' của quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ xung quanh khu vực biên giới tranh chấp gần dãy Himalaya vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả hai bên đều tăng cường binh lính cũng như vũ khí hiện đại tới đây.

 Truyền thông khu vực cho biết, quân đội Ấn Độ mới đây đã tăng cường tới điểm nóng khoảng 5.000 binh sĩ cùng nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại.

Truyền thông khu vực cho biết, quân đội Ấn Độ mới đây đã tăng cường tới điểm nóng khoảng 5.000 binh sĩ cùng nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại.

Động thái trên của Ấn Độ diễn ra sau khi Trung Quốc cũng đã điều số lượng tương tự quân nhân tới phía bên kia biên giới để sẵn sàng cho tình huống giao tranh toàn diện.

Trong số những vũ khí được Ấn Độ đưa tới điểm nóng, các chuyên gia quân sự quốc tế chú ý nhiều nhất tới sự xuất hiện của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90S Bhishma tối tân nhất của New Delhi.

Ở chiều ngược lại, tưởng như Trung Quốc sẽ nhanh chóng đưa những chiếc MBT tốt nhất của mình như Type 99G hay Type 96B tới điểm nóng thì thật bất ngờ Bắc Kinh lại có lựa chọn khác.

Giới chức quân sự Trung Quốc nhận định rằng những cỗ chiến xa trên khá nặng nề và không thực sự thích hợp để triển khai tại vùng núi, thay vào đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho biết nước này đặt niềm tin vào ZTQ 15.

ZTQ 15 (hay còn được gọi bằng cái tên Type 15, với phiên bản xuất khẩu mang định danh VT5) được Trung Quốc phân hạng là xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nhẹ.

Chiếc chiến xa với cách phân loại độc đáo này được xem như phiên bản đơn giản hóa của Type 96A bằng việc giảm cỡ nòng pháo chính cũng như loại bỏ bớt giáp bảo vệ.

Xe tăng ZTQ 15 có trọng lượng khoảng 35 tấn, tương đương với Type 59, được lắp động cơ diesel tăng áp công suất 600 mã lực, cho vận tốc tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 400 km.

Khả năng cơ động của ZTQ 15 khá đáng nể khi leo được dốc 60%, vượt vật cản cao 0,8 m, vượt hào rộng 2,5 m và lội nước sâu 1 m. Đặc biệt hệ thống treo của nó thay đổi được độ cao, tức là giúp xe tăng có thể "quỳ".

Vũ khí chính của xe tăng ZTQ 15 là pháo nòng xoắn cỡ 105 mm với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, bao gồm kính ngắm toàn cảnh có cả kênh nhìn đêm và đo xa laser.

Đạn xuyên lõi tungsten bắn đi từ pháo chính 105 mm của ZTQ 15 đâm thủng được 500 mm giáp đồng nhất khi bắn từ cự ly 1.500 m, ngoài ra khẩu pháo này còn phóng được tên lửa chống tăng qua nòng.

Giáp bảo vệ của ZTQ 15 là sự kết hợp giữa giáp hộp kiểu NERA (giáp phản ứng không nổ) bố trí trên tháp pháo và ERA (giáp phản ứng nổ) gắn hai bên hông.

Hệ thống bảo vệ này giúp kíp xe an toàn trước các loại đạn xuyên cỡ 23 - 30 mm cũng như mảnh bom, pháo, tuy nhiên nó khó lòng chống trả được các vũ khí chống tăng uy lực như RPG-7.

Mặc dù vậy, báo chí Trung Quốc cho rằng xe tăng ZTQ 15 sẽ tạo ra ưu thế đáng kể cho quân đội nước này nếu phát sinh giao tranh với Ấn Độ, bởi những chiếc T-90 nặng nề của New Delhi bị cho là "vô dụng" khi triển khai ở độ cao lớn.

Nhưng dĩ nhiên đây chỉ là nhìn nhận chủ quan từ phía Trung Quốc, xe tăng ZTQ 15 có thực sự ưu việt hơn T-90 hay không thì chỉ có thể nhận được câu trả lời chính xác qua thực tế chiến trường.

Bạch Dương (Theo Topwar)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-at-chu-bai-cua-quan-doi-trung-quoc-trong-cuoc-xung-dot-bien-gioi-voi-an-do/855882.antd