ASOSAI14: Tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán Nhà nước

Những năm vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, qua đó kiến nghị chấn chỉnh kịp thời tránh thất thoát.

Theo các chuyện gia kinh tế, ổn định kinh tế là một trong những yêu cầu tiên quyết của tăng trưởng. Khi kinh tế tăng trưởng và ổn định thì đời sống người dân mới được nâng cao, làm gia tăng mọi nhu cầu trong đời sống xã hội; trong đó có cả nhu cầu tiêu dùng lẫn nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Kiểm toán Nhà nước, cùng với vai trò góp phần vào sự minh bạch và bền vững của nền tài chính quốc gia còn góp phần ổn định nền tài chính vĩ mô; làm lành mạnh lưu thông tiền tệ; hoàn thiện chính sách.
Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vai trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của nhà nước.

Những kết quả kiểm toán trung thực, chính xác, khách quan của cơ quan kiểm toán nhà nước không chỉ giúp Chính phủ, Quốc hội đánh giá đúng tình hình thực trạng tài chính ngân sách nhà nước mà còn cung cấp các thông tin làm căn cứ cho việc hoạch định các chính sách kinh tế, ra các quyết định có hiệu lực cao, đề ra các biện pháp tăng cường quản lý thu chi ngân sách đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội trong việc sử dụng ngân sách.
Theo Kiểm toán Nhà nước, từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.240 tỷ đồng; trong đó, 2 năm 2016-2017, đã kiến nghị xử lý tài chính 129.732 tỷ đồng, chiếm 36,7% so với tổng số kiến nghị từ khi thành lập; 8 tháng đầu năm 2018 đã kiến nghị xử lý tài chính 32.595 tỷ đồng.
Đặc biệt, kiến nghị xử lý tài chính trong những năm qua đã được phần lớn các đơn vị chấp hành nghiêm túc, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 tỷ lệ thực hiện là 64,3%, năm 2016 là 75,6% và năm 2017 là 78,2%).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, qua đó đã kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm ổn định tài chính vĩ mô.
Ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính, truy thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, lỗ hổng của cơ chế, chính sách liên quan tới loại hình đầu tư công, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Đăc biệt, theo người đứng đầu ngành kiểm toán, trong kiểm toán đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai, kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch chung; không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp với quy định; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo; xác định giá đất còn nhiều bất cập, sai sót, hạn chế đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực đất đai.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực I thì các hoạt động của kiểm toán Nhà nước vẫn còn một số thách thức như yêu cầu về quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và công tác quản trị ở các đơn vị công đòi hỏi phải có những thông tin tin cậy, thích hợp, kịp thời và có chất lượng.
Để đáp ứng yêu cầu này, Kiểm toán Nhà nước cần phải phân tích và dự báo kinh tế - tài chính để giúp Chính phủ có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách, từ đó đề ra gói giải pháp kích thích kinh tế đồng bộ, toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng kiểm tra, phân tích, đánh giá dự toán ngân sách Nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Vì vậy Kiểm toán Nhà nước cần phải nhạy bén với những thay đổi, biến động và xu hướng của nền kinh tế để có thông tin kịp thời giúp Chính phủ và các nhà quản trị những thông tin hữu ích.

Do đó, đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên phải có những kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, đặc biệt là khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô. Đây cũng là thách thức lớn trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây nên; có những tác động mạnh mẽ mang tính hiệu ứng, tạo nên dư luận xã hội rộng rãi đến đông đảo công chúng, động viên được quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên khi kết quả kiểm toán được công khai đã gây sức ép rất lớn cho Kiểm toán Nhà nước, đòi hỏi kết quả kiểm toán phải phản ánh chính xác, trung thực và khách quan.
Trong giai đoạn hiện nay, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành là đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán để ngày càng khẳng định vai trò vị thế của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý đã được hiến định.
Theo đó, tập trung kiểm toán ngân sách hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, cơ quan có quy mô lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách làm căn cứ để hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định; tăng cường các cuộc kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, tiếp tục mở rộng quy mô và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/asosai14-tang-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-kiem-toan-nha-nuoc/96361.html