ASEAN và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

ASEAN nói chung và VN nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở'.

Tàu khu trục JS Izumo của Nhật Bản thăm Cam Ranh tháng 5.2017 - Ảnh: A.X

Trong năm 2018, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh tiến hành các bước hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và sự hợp tác của ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng, đại diện Bộ Ngoại giao nước này khẳng định với các phóng viên ASEAN trong cuộc gặp tại Tokyo.

Được Thủ tướng Shinzo Abe giới thiệu lần đầu vào năm 2016 và Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng tháng 11.2017, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là một trong những khái niệm chiến lược khu vực quan trọng nhất hiện nay đối với cả hai nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chưa có nhiều dấu hiệu cụ thể về việc chiến lược này sẽ được triển khai như thế nào. Điều này sẽ thay đổi trong năm 2018 khi Tokyo triển khai kế hoạch phối hợp với các đối tác khu vực, theo ông Jun Nishida, Vụ phó Vụ Chính sách khu vực thuộc Cục Châu Á và châu Đại dương.

“Nếu nhìn vào bản đồ, các bạn có thể thấy ASEAN nằm ngay trung tâm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó, chúng tôi rất hy vọng ASEAN sẽ hợp tác để cùng xây dựng một khu vực tự do và rộng mở dựa trên 3 cột trụ đã được công bố”, ông Nishida nói. Ba cột trụ này bao gồm phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải; tăng cường kết nối thông qua “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như cảng biển, đường bộ... cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh để đạt sự thịnh vượng kinh tế; cuối cùng là an ninh biển thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và phòng chống thảm họa... Tuyên bố Chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 11.2017 cũng ghi nhận chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” góp phần củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm, đồng thời bổ trợ cho Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.

Bên cạnh đó, Phó giáo sư Ken Jimbo, chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Tokyo Foundation, nhận định ASEAN có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng về địa chiến lược trong khu vực, không những về an ninh hay hàng hải mà còn nhiều lĩnh vực khác trong bối cảnh Nhật đang đa dạng hóa hợp tác bên cạnh quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Trong đó, VN là đối tác chiến lược của Nhật Bản, giáp với tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông, nằm ở cửa hành lang kinh tế nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời đóng góp tích cực trong nỗ lực do Nhật chủ xướng xây dựng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trả lời Thanh Niên, Phó giáo sư Jimbo nhận định thêm Cảng quốc tế Cam Ranh của VN có cơ sở vật chất lẫn vị trí rất thích hợp cho các hoạt động hợp tác hàng hải đa phương trong khu vực.

Mặt khác, Phó giáo sư Jimbo nhấn mạnh Nhật Bản luôn ủng hộ vai trò trung tâm vững mạnh của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác liên quan tới Đông Nam Á, không để các đối tác bên ngoài áp đặt lên quyết định của khối. Cả vị chuyên gia này lẫn Vụ phó Nishida đều cho biết thêm trong quan hệ với ASEAN, Nhật Bản công nhận thực tế là mỗi nước có hệ thống chính trị riêng, cần tôn trọng quá trình củng cố và thực thi dân chủ của mỗi nước.

ASEAN không cần chạy đua quân sự

Về vấn đề Biển Đông và an ninh biển nói chung, ông Nishida nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật trên biển. Theo ông, Nhật Bản hoan nghênh các tiến triển trong đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử nhưng hết sức quan ngại về những hành động đơn phương muốn thay đổi hiện trạng Biển Đông. “Những gì đang xảy ra trên Biển Đông là sự thách thức đối với pháp luật và trật tự quốc tế. Không thể chấp nhận những hành động đơn phương”, vị vụ phó nói với Thanh Niên.

Ông Nishida cho biết thêm dù không tham gia các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải với Mỹ nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật đang có nhiều hoạt động hơn tại vùng biển khu vực bao gồm huấn luyện chung và thăm cảng. Nhật cũng tăng cường hợp tác về hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn trên biển cho các nước ven Biển Đông. Với tinh thần này, Nhật Bản cam kết cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho VN và hai bên đang chuẩn bị triển khai dự án.

Theo Phó giáo sư Jimbo, ASEAN không cần và không nên chạy đua quân sự với bất cứ ai để tránh tạo cớ cho bên khác leo thang, nhưng có thể tập trung hợp tác với nhau lẫn đối tác bên ngoài về nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải đủ để ngăn chặn hiệu quả các hành động đơn phương, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trọng Kha

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/asean-va-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-934802.html