ASEAN trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0

Năm ngoái, 2017, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập. Trải qua năm thập kỷ, mười nước với những sự khác biệt và đều đã trải qua nhiều sự thay đổi, đặc biệt là về mặt kinh tế, và đã có những sự đột phá công nghệ để cùng nổi lên như một cộng đồng mạnh của những quốc gia độc lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Các quốc gia ASEAN đang nhìn về phía trước với những thách thức và những thay đổi sâu đậm mỗi ngày một tăng tốc, đặc biệt là trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối phó với sự thách thức bằng tinh thần doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi họp báo chiều 6-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trong vai trò Trưởng ban tổ chức WEF ASEAN 2018 với tiêu đề “ASEAN thời đại 4.0: tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (ASEAN 4.0: Entrepreneurship and the Fourth Industrial Revolution) cho biết diễn đàn năm nay sẽ thảo luận năm vấn đề cơ bản là xác định tầm nhìn mới; tìm kiếm mô hình kinh tế mới và quản trị doanh nghiệp; tìm kiếm động lực và mô hình kinh doanh mới. Vấn đề thứ tư là doanh nghiệp trong cách tiếp cận mới đối với cách quản lý toàn cầu và khu vực và vấn đề cuối cùng là phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. ASEAN đang tiến tới một nền tảng kinh tế rộng hơn tuy rằng đang phải đối phó với khoảng cách giàu nghèo và áp lực môi trường tăng cao cũng như nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh này, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 11 đến 13-9 với mục đích là để nhận diện và đối phó với các vấn đề kinh tế cùng những hệ lụy trong thời gian tới. Chúng ta vẫn nói, vẫn hoan nghênh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trên thực tế chúng ta đang phải đối phó với những điều không chắc chắn khi cuộc cách mạng này tất yếu phải diễn ra, trên toàn cầu cũng như tại Đông Nam Á. Thay đổi công nghệ đang tác động những vấn đề hiện hữu, trước hết là đột phá vào thị trường việc làm và cấu trúc xã hội. Trong 15 năm tới, cứ mỗi ngày ASEAN phải đón nhận thêm 11.000 người tham gia lực lượng lao động, trong khi các công nhân bị đặt trước những tranh chấp việc làm với các robot, và các nhân viên được thay thế bằng những phần mềm trí khôn nhân tạo.

Đối phó với những vấn đề hiện tại và tương lai này đòi hỏi một tầm nhìn kinh doanh (entrepreneurship). Ở một mức độ, khu vực phải giải phóng tinh thần kinh doanh nơi các cá thể cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ thành lập nên các công ty và các nền kỹ nghệ. Nhưng quan trọng hơn, ASEAN cần phải chấp nhận tinh thần doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, mô hình quản trị, quan hệ địa chính trị và cả những cách tiếp cận mới để tăng trưởng. Nói cách khác, xây dựng tinh thần kinh doanh không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà còn cả vì lợi ích công cộng. Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN hướng đến việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi khó khăn này. Diễn đàn chính là nơi kết nối các nhà lãnh đạo chính trị, các giám đốc doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức xã hội. Và tại đây diễn đàn cũng chọn ra những công ty khởi nghiệp thể hiện tốt nhất động lực và tinh thần kinh doanh ASEAN.

Chìa khóa liên kết các quốc gia Đông Nam Á

Diễn đàn tại Hà Nội tập trung vào các chủ đề cột trụ: tinh thần kinh doanh trong việc xây dựng cách tiếp cận mới giữa khu vực và trên thế giới, tinh thần kinh doanh trong cách lèo lái động lực doanh nghiệp và nền kinh tế, và tinh thần kinh doanh trong bao hàm cấu trúc xã hội. Những cuộc tranh luận hướng đến việc làm trơn tru hệ thống kinh tế địa chính trị, đặt các mối quan hệ mậu dịch và quản trị động lực trong mục tiêu bảo đảm an ninh và sự giàu có cho mọi người mọi nước. Mặt khác, đóng góp vào việc hình thành tầm nhìn mới cho sự hợp nhất khu vực khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra làm thay đổi bản chất của mậu dịch và đầu tư xuyên biên giới. Khi mọi người khám phá ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa làm tăng thêm vừa làm dịu bớt sự bất bình đẳng cũng như tính mỏng dòn xã hội, thì họ buộc phải thay đổi để tiếp cận tốt hơn với nền y tế, nền giáo dục, nền tài chính, và quan tâm nhiều hơn đến việc quản trị.

Phát biểu khai mạc WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến việc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới. Cuộc cách mạng này mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu. Thủ tướng cho rằng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là rất lớn. Trước tiên là tạo sự đột phá về năng suất trên năm ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Cuộc cách mạng này cũng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên cơ sở ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra sự kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới. Theo người đứng đầu Chính phủ, ASEAN có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.

Tuy nhiên, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đó là việc áp dụng tự động hóa sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 56% số việc làm của năm nước ASEAN có khả năng chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot và do đó, có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống của các nước. Ngược lại, nhiều chuyên gia nói rằng nhiều sinh kế cho người dân sẽ được xuất phát từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đứng vào hàng thứ 3 thế giới tính về mặt dân số, hàng thứ 6 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và hàng thứ 4 về giá trị mậu dịch toàn cầu. Thông tin từ Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) gần đây cho biết GDP tổng hợp của toàn khối trong năm 2016 đạt đến 2,8 ngàn tỉ đô la Mỹ, mức tăng trưởng năm 2017 lên đến 5,3% so với 4,8% của năm 2016. Người ta dự tính mức tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở khoảng 5,2% trong hai năm 2018 và 2019. Nhưng để giữ lâu dài mức tăng này, ASEAN buộc phải thực hiện cuộc cách mạng số trước cơn bão kỹ thuật số toàn cầu. Nền kinh tế số của ASEAN hiện mới chỉ chiếm 7% trong GDP, trong khi Trung Quốc là 16% và Mỹ là 35%. Báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản trị toàn cầu Bain & Company gợi ý cho rằng các công ty vừa và nhỏ (SME) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bùng nổ tích hợp kỹ thuật số, và làm tăng thêm 1.000 tỉ cho ASEAN vào năm 2025.

Số liệu của Bain & Company cho thấy hiện tại các SME chiếm hơn 50% GDP khu vực, 80% lực lượng lao động, và 99% số lượng doanh nghiệp trong các ngành chủ yếu, nhưng chỉ đóng góp 20% vào giá trị xuất khẩu. Trên thực tế, mới chỉ có 16% SME tích hợp kỹ thuật số và tỷ lệ xuất khẩu của nhóm này lại lên đến 95% lượng sản phẩm mà họ làm ra. Cái khó của các công ty vừa và nhỏ trong việc tích hợp kỹ thuật số là chi phí cho loại công cụ này quá cao, mặt khác độ phủ băng thông rộng cũng đang làm khó họ, đặc biệt đối với các vùng nông thôn nơi chất lượng và tốc độ băng tần đều hạn chế. Khoảng 45% các công ty SME vẫn còn mù mờ về kỹ thuật số trong khi 40% các doanh nghiệp cho biết họ rất khó tìm được các chuyên viên cho lực lượng lao động số này. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề mậu dịch xuyên biên giới: Hơn 50% trong số họ nhận thấy quy trình mậu dịch xuyên biên giới và hạ tầng hậu cần, bao gồm cả định vị dữ liệu của họ trong trường hợp này là những rào cản lớn nhất.

Biến sự đột phá thành cơ hội

Để giải quyết những vấn đề này ASEAN phải có một khung pháp lý toàn khối để khích lệ tích hợp kỹ thuật số, bao gồm cả những lựa chọn thanh toán xuyên biên giới. Diễn đàn nhắm tới cải thiện kết nối số, tạo sự dễ dàng cho thương mại và mậu dịch, thiết lập một hệ thống số mềm dẻo và tạo lập một hệ sinh thái kinh doanh cùng lúc với việc hình thành lực lượng lao động thông thạo hơn về kỹ thuật số. Vấn đề bây giờ là liệu ASEAN có đủ bền bỉ để đối phó với những sự thay đổi, thách thức ở khu vực và toàn cầu ngày nay? Diễn đàn nhìn nhận rằng để sống còn và tăng trưởng, các thành viên ASEAN phải đưa ra những quyết định quan trọng về vai trò của cộng đồng trong các vấn đề khu vực, và đó là sự chọn lựa thích đáng để biến những đột phá toàn cầu hiện nay thành những cơ hội cho từng nước và khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế các thành viên ASEAN sẽ phải cảm nhận sâu sắc những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hệ thống thuế đánh trên thu nhập lao động sẽ chịu áp lực; trong khi các chính phủ phải đầu tư nhiều hơn cho việc tái đào tạo và phát triển hạ tầng công nghệ số.

Các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý tại diễn đàn thấy rằng quá trình chuyển đổi từ những dây chuyền cung ứng tập trung toàn cầu thành những hệ thống sản xuất tại chỗ, theo như bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ có tác động nghiêm trọng đến doanh thu xuất khẩu và nhu cầu đầu tư. Và để đối phó với loại đột phá này, ASEAN phải cũng cố lại cộng đồng của mình. Nói rõ hơn, về mặt kinh tế ASEAN phải thực sự trở thành một thị trường duy nhất, gồm 630 triệu công dân và một năng lực mua sắm tăng cao. Chìa khóa đang nằm trong việc thực hiện đầy đủ chức năng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); bởi với một thị trường vững mạnh, ASEAN có thể tự quyết định số phận của mình thay vì phải dựa giẫm vào các thị trường bên ngoài.

Tạo nên một thị trường dịch vụ duy nhất là việc làm thiết yếu nhất hiện nay khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không có biên giới, và nó hoạt động tốt hơn trong môi trường rộng lớn. Trong trường hợp này mỗi một doanh nghiệp đều có thể hoạt động toàn khối, bất kể là dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hay thương mại điện tử.

Hoàng Việt

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279211/asean-truoc-lan-song-cach-mang-cong-nghiep-40-.html