ASEAN thúc giục đối tác đẩy nhanh đàm phán RCEP

Đối đầu thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến ASEAN mới đây kêu gọi tăng tốc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Các nền kinh tế ASEAN ngày càng lo ngại về thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Mayuko Tani

Tại cuộc họp mới đây, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thúc giục Úc và Ấn Độ nhằm đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Trước đó vào tối thứ Năm, các vị bộ trưởng ngoại giao này đã ban hành thông cáo chung, kêu gọi "một kết luận nhanh chóng từ đàm phán RCEP nhằm đạt được một thỏa thuận hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi".

Hiện vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi và chưa thể đi đến thống nhất như sự miễn cưỡng mở rộng thị trường hơn của Ấn Độ đối với sản phẩm Trung Quốc, đặt ra câu hỏi về khả năng sớm đạt được thỏa thuận. Con đường ASEAN có thể thuyết phục được các đối tác sẽ chính là hướng kết quả cuối cùng của thỏa thuận.

Tuyên bố chung trên miêu tả RCEP là một sự ưu tiên, "đặc biệt trong thời điểm phát triển không chắc chắn trên thương mại toàn cầu", Asian Nikkei Review dẫn tin.

Trang này cũng dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định: "Niềm tin vào vai trò của tự do thương mại và các tổ chức đa phương sẽ là một công thức và công thức này đã mang lại hòa bình và thịnh vượng trong bảy thập kỷ qua, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á".

Trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, các nhà lãnh đạo ASEAN hướng tới thúc đẩy tự do hóa thương mại nhưng lo lắng rằng chiến tranh thương mại sẽ làm chậm đi những nỗ lực này.

Đầu tháng 7, thông tin đưa bởi Asian Nikkei Review cho biết RCEP có khả năng được ký kết vào cuối năm nay sau cuộc họp diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.

Với số lượng thành viên như hiện tại, RCEP đang tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm một nửa dân số thế giới và khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút đi vào tháng 1 năm ngoái.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tìm đến RCEP nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng từ Washington. Tuy nhiên sau hơn 5 năm tiến hành đàm phán với những nỗ lực trước đó mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối 2015 và 2016 đều thất bại, các quốc gia thành viên RCEP hiện mới chỉ đạt được 2/18 phần. Điều này có thể xuất phát từ những ý tưởng khác nhau về thương mại tự do giữa các quốc gia.

Hồng Hải

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/asean-thuc-giuc-doi-tac-day-nhanh-dam-phan-rcep-1533288444841.htm