ASEAN phát huy tự cường để không tụt hậu trong cách mạng 4.0

Để không bị bỏ lại phía sau trong CMCN 4.0, ASEAN đang phát huy tính tự cường, tìm hướng đi và giải pháp mới thích ứng và phát triển thịnh vượng...

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF 2018) do Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 - 13/9/2018. Đây là một trong những hội nghị lớn và quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong khu vực, đồng thời là một trong những sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam trong năm 2018.

Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", Diễn đàn sẽ là một cơ hội để các nước ASEAN đánh giá cơ hội cũng như khắc phục các thách thức để "không bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên công nghệ số.

ASEAN "không bị bỏ lại" trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Mô hình này đã được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh đó, ASEAN với nền kinh tế Intenet được dự báo sẽ đạt khoảng 200 tỉ USD vào năm 2025, tương đương khoảng 6% GDP của khu vực, đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh, bền vững nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Đánh giá về những thuận lợi của ASEAN trong CMCN 4.0, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với hơn 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet, ASEAN có nền tảng thuận lợi và thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, ông Bùi Thanh Sơn cho rằng, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo. Môi trường siêu kết nối cũng tạo ra cuộc cách mạng giao dịch thanh toán, logistic... mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực…

Cùng với cơ hội phát triển, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN, theo đó một trong những thách thức lớn là chuyển dịch, thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động do tác động của tự động hóa sâu rộng, tái cơ cấu ngành nghề và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế , khoảng 50% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malayxia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Viêt Nam đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới. Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Nhận định về những thách thức này, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, cho rằng: Thách thức đầu tiên không chỉ của Indonesia mà của cả ASEAN đó là cần có một bước chuyển sang cách mạng 4.0 một cách ổn định. Điều này đòi hỏi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách các nước phải có một định hướng đúng đắn để đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra thuận lợi. Thách thức thứ 2 đó là giáo dục bởi vì để chuẩn bị ứng phó với những biến đổi trong thế kỉ mới bạn phải có một nguồn nhân lực với các kĩ năng tốt.

"CMCN 4.0 cũng khá mới mẻ với khu vực. Các nước khác như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản đã có những bước tiến rất lớn. Do đó điều quan trọng là chúng ta cũng cần thu hẹp khoảng cách này để không bị bỏ lại phía sau", Đại sứ Ibnu Hadi lưu ý.

Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0, chính phủ ASEAN và các doanh nghiệp ASEAN cũng đang phát huy tính tự cường, tìm cách hướng đi và giải pháp mới thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới. Nhiều quốc gia ASEAN đã có những chiến lược cụ thể trong việc nắm bắt cơ hội này như Singapore đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển vườn ươm công nghệ hay Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan 4.0. Việt Nam cũng đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm tiến lên nấc thang cao hơn trong chuổi giá trị toàn cầu.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Min nhận định: Chủ đề năm nay là ASEAN tự cường và sáng tạo là một minh chứng cho nỗ lực của ASEAN thích nghi với các điều kiện mới. ASEAN có thể thích ứng và làm tốt trong các điều kiện mới, do đó cần phải nắm bắt cơ hội và quản lí các thách thức, trang bị tốt cho người dân với các kĩ năng và trình độ, thúc đẩy khả năng nhân lực của các nước thành viên trong khối.

Trước những thách thức và cơ hội của CMCN 4.0 đối với ASEAN, WEF 2018 diễn ra vào tháng 9 tới với nội dung ‘ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4’ là một chủ đề thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và trong khu vực. Hội nghị sẽ là cơ hội để các nước chia sẻ, trao đổi những nhận thức mới, bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về tranh thủ cơ hội cũng như xử lí các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra./.

Phạm Hà/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/asean-phat-huy-tu-cuong-de-khong-tut-hau-trong-cach-mang-40-803298.vov