ASEAN: Một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng, thành công trên thế giới

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công. Những thành quả đã đạt được là nền tảng vững chắc cho ASEAN nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 08/08/1967 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN (Tuyên bố Bangkok). Ngày 08/01/1984, Brunây được kết nạp vào ASEAN, nâng số thành viên của Hiệp hội lên thành sáu nước.

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Tháng 7/1997, Lào và Mianma trở thành thành viên thứ tám và thứ chín của Hiệp hội. Campuchia gia nhập ASEAN tháng 4/1999, hiện thực hóa ý tưởng thành lập một Hiệp hội bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Lễ thượng cờ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam

Lễ thượng cờ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tháng 12/1997, ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN năm 2000. Nêu những mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa và quan hệ đối ngoại. Đây là văn bản có ý nghĩa đối đối với quá trình phát triển của Hiệp hội, đặt nền tảng cho việc hình thành và thực hiện các mục tiêu xây dựng các cộng đồng ASEAN.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đây là một bước tiến có ý nghĩa đối với quá trình giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, tạo điều kiện để các bên tiến hành hợp tác xây dựng lòng tin, hướng tới xây dựng bộ quy tắc Ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên ở biển Đông

Năm 2003, thông qua Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN II hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II, chính thức hóa việc thực hiện ý tưởng về 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN, gồm: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC).

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ nhất, được tổ chức tại Malysia tháng 12/2005, với sự tham gia của nguyên thủ các nước thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, lãnh đạo các nước đã ký Tuyên bố chung về Cấp cao Đông Á, trong đó đề ra mục tiêu, nguyên tắc, lĩnh vực và các phương thức chính cho hoạt động của EAS. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 (tổ chức ngày 19/11/2011 tại Bali, Indonesia), Nga và Mỹ đã tham gia với tư cách thành viên chính thức của EAS. Các lãnh đạo EAS đã ra Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi.

ASEAN đã nỗ lực xây dựng và Hiến chương ASEAN được ký ngày 20/11/2007 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13. Hiến chương ra đời, tạo tư cách pháp nhân cho ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực; đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để gia tăng liên kết và hợp tác ASEAN, giúp xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức gắn kết hơn và hoạt động hiệu quả hơn, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN. Ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN có hiệu lực.

Năm 2009, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) được thành lập. Tháng 11/2011 Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Tuyên bố Hòa hợp Bali III). Ngày 31/12/2015, cột mốc đánh dấu ASEAN trở thành một cộng đồng, sự kiện được xem là bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung và là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ vươn lên.

Từ Tuyên bố Bangkok 1967 đến Tầm nhìn ASEAN 2020, từ Hiệp ước TAC đến Hiến chương ASEAN, từ Tuyên bố Hòa hợp Bali II đến lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển và thành công của ASEAN.

Tiếp theo, ASEAN đưa ra Lộ trình xây dựng Cộng đồng thứ hai (2015 - 2025), được xác định bởi sự đời của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (thông qua năm 2015) với 3 Kế hoạch tổng thể triển khai tầm nhìn trên 3 trụ cột: Chính trị - an ninh; Kinh tế; Văn hóa - xã hội, dựa trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Hiện tại, ASEAN đang nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 để tiếp tục củng cố Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thích ứng. Trong đó, đoàn kết để thống nhất ý chí, đề cao ý thức cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì lợi ích chung và lâu dài của Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Tự cường để giữ vững bản lĩnh, tăng cường tiềm lực và sức mạnh nội sinh của từng quốc gia thành viên và cả Cộng đồng ASEAN. Thích ứng để luôn tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, vững vàng vươn lên trước những biến chuyển phức tạp của khu vực và thế giới.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, ASEAN ngày nay là một hình mẫu tổ chức hợp tác khu vực có uy tín và thành công trên thế giới. ASEAN là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 nước thành viên, có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.

Gia nhập ASEAN năm 1995, trải qua 27 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.

Trong những lần nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã chủ động làm tốt vai trò trung tâm, dẫn dắt khi đưa ra một loạt sáng kiến, đề xuất. Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều sáng kiến của Việt Nam về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch đã được các thành viên ASEAN nhất trí và đưa vào triển khai như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN; Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp; Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN... Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch Covid-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN.

27 năm gia nhập ASEAN, có thể thấy Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam phù hợp với nhu cầu hợp tác, phát triển vì hòa bình, thịnh vượng của cả khu vực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục cùng các nước ASEAN phát huy hơn nữa bản sắc, vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên ASEAN cũng như các đối tác trong và ngoài khu vực. Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình cùng ASEAN viết tiếp những chương thành công về xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Quỳnh Như

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: http://baove.congly.vn/asean-mot-trong-nhung-to-chuc-hop-tac-khu-vuc-quan-trong-thanh-cong-tren-the-gioi-28035.html