Nông dân Sơn La chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trước rét đậm, rét hại

Để giảm thiểu các thiệt hại đối với đàn vật nuôi do rét đậm, rét hại gây ra, người chăn nuôi ở tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều biện pháp tích cực.

Mấy ngày nay nhiệt độ tại tỉnh Sơn La giảm sâu, nhiều nơi vùng núi cao nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Để giảm thiểu các thiệt hại đối với đàn vật nuôi do rét đậm, rét hại gây ra, người chăn nuôi ở tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp tích cực.

Các hộ chăn nuôi huyện Thuận Châu tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, vật nuôi.

Các hộ chăn nuôi huyện Thuận Châu tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, vật nuôi.

Mấy ngày nay, khi bản làng còn chìm trong sương sớm mờ mịt với cái lạnh thấu xương thì chiếc loa phóng thanh đặt ở nhà ông Lù Văn Sương, Trưởng bản tái định cư Nà Lạn, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu đã vang vang, nhắc nhở các hộ gia đình chú ý bảo vệ sức khỏe cả người và gia súc khi trời rét đậm, rét hại.

Không thả rông trâu, bò và đốt lửa ...

Trưởng bản Lù Văn Sương cho biết: Cùng với tuyên truyền qua loa phát thanh, các lực lượng trong bản cũng đến từng hộ chăn nuôi, vận động bà con đưa gia súc, gia cầm từ đồng ruộng về và hỗ trợ bà con gia cố, phủ bạt quanh chuồng trại để che chắn cái giá lạnh cắt da cắt thịt.

... hoặc sử dụng đèn điện sưởi ấm khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.

“Trước đây không che chắn chuồng trại thì trâu, bò bị chết rét, không có thức ăn dự trữ thi bị chết đói. Từ khi được Đảng và Nhà nước tuyên truyền che kín chuồng trại và cách chăm sóc trâu, bò thì bây giờ không có tình trạng chết rét và chết đói nữa”, trưởng bản Lù Văn Sương nói.

Trồng cỏ, ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu trên ruộng ngay sau vụ mùa.

Để bảo vệ đàn gia súc của gia đình trong mùa đông giá rét, anh Lò Văn Kiên ở bản Lè, xã Tông Cọ đã chủ động thu gom và mua thêm của bà con trong bản những phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm rạ, cây ngô, cây mía…sau mùa thu hoạch từ tháng 9, tháng 10. Bên cạnh đó, gia đình cũng trồng thêm cỏ voi, cây chuối siêu đẻ để ủ chua, làm thức ăn cho gần 30 con bò lai của gia đình.

Ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi trong mùa đông.

Theo anh Kiên: Việc chủ động thức ăn cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại rất quan trọng, bởi nếu giá rét kéo dài nhiều ngày mà không có gì cho chúng ăn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn vật nuôi.

“Thứ nhất là phải cất đủ thức ăn cho bò, thứ 2 chuồng trại phải khô ráo, sạch sẽ, phải phủ kín bạt; cái nữa là mỗi con, chúng tôi phải tiêm một mũi tăng sức đề kháng cho bò khi thay đổi thời tiết”, anh Kiên cho biết.

Khi ủ chua cần cho thêm bột sắn, bột ngô, muối, đạm để đảm bảo chất dinh dưỡng cho vật nuôi.

Để hỗ trợ người dân bảo vệ tốt đàn vật nuôi của gia đình trong những ngày rét đậm rét hại này, đội ngũ cán bộ khuyến nông của huyện cũng tăng cường xuống các bản trực tiếp hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp ứng phó.

Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi qua hệ thống loa phát thanh.

Ông Quàng Văn Loản, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi và thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu cho biết: “Hiện nay thì bà con cũng đã biết phương pháp ủ chua dự trữ thức ăn cho mùa đông khi mà cỏ dư thừa; đến lúc sương muối mùa đông xuống nhiều thì bà con không chủ động được và cỏ ít mọc thì tận dụng nguồn thức ăn dự trữ, thức ăn ủ chua cho ăn tại chuồng luôn”.

Thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại nào đối với đàn gia súc, gia cầm do đợt rét đậm, rét hại này gây ra.

Huyện Thuận Châu hiện có hơn 57.000 con trâu, bò và hơn 30.000 con dê, cừu. Nhờ người dân chủ động các biện pháp ứng phó, nên đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại nào đối với đàn gia súc, gia cầm do đợt rét đậm, rét hại này gây ra./.

Trấn Long/VOV -Tây Bắc.

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nong-dan-son-la-chu-dong-bao-ve-dan-vat-nuoi-truoc-ret-dam-ret-hai-825299.vov