ASEAN khẳng định tầm nhìn tự cường và sáng tạo

Với chủ đề 'ASEAN tự cường và sáng tạo', Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và các hội nghị liên quan chính thức khai mạc ngày 13-11 tại Singapore. Tại đây, các nhà lãnh đạo bàn thảo về các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đề ra các giải pháp kịp thời, sáng tạo ứng phó hiệu quả với các thách thức, đặc biệt là thách thức phi truyền thống; đồng thời đẩy mạnh tự cường trong các nội dung chính trị-an ninh kết hợp với kinh tế -thương mại.

Tầm nhìn hóa một khu vực kết nối

Theo tin từ tờ Strait Times của Singapore, trên cơ sở sự thống nhất tại các cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN), tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung vào hai sáng kiến để hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực kết nối tự cường và sáng tạo. Đó là sáng kiến thành lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh và tăng cường hợp tác an ninh mạng. Sáng kiến thành lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh được Chủ tịch ASEAN 2018 là Singapore đề xuất tại hội nghị cấp cao diễn ra hồi tháng 5.

26 thành phố tham gia Mạng lưới thành phố thông minh bao gồm: Singapore (Singapore); Manila, Cebu và Davao (Philippines), Bandar Seri Begawan (Brunei); Bangkok, Chonburi và Phuket (Thái Lan); Banyuwangi, Jakarta và Makassar (Indonesia); Battambang, Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia), Johor Bahru, Kota Kinabalu, Kuala Lumpur và Kuching (Malaysia); Luang Prabang và Vientiane (Lào); Mandalay, Nay Pyi Taw và Yangon (Myanmar) và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Việt Nam). Các thành phố xây dựng những chương trình hành động cụ thể, thúc đẩy việc hợp tác với các đối tác để triển khai thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong việc phát triển thành phố thông minh, hướng đến lợi ích của người dân.

Mục tiêu chính của các nước khi tham gia mạng lưới này là cùng ASEAN xây dựng một hệ sinh thái chung, tận dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện đời sống của người dân tại các thành phố tham gia mạng lưới cũng như tạo sự liên kết với các thành phố khác trong khu vực, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của mỗi quốc gia và cả khu vực.

Về lĩnh vực an ninh mạng, trong tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng 4, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí chia sẻ tầm nhìn chung của khu vực về một không gian mạng hòa bình, an toàn và tự cường trong đó nhấn mạnh sự thúc đẩy các quy tắc mạng mang tính tự nguyện quốc tế về trách nhiệm quốc gia để tăng sự tin cậy, lòng tin và xây dựng rốt ráo một không gian mạng dựa trên các quy tắc.

ASEAN cũng đã tái khẳng định luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc là thích hợp và cần thiết để duy trì sự ổn định và thúc đẩy một môi trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) mở, an toàn, ổn định, có thể tiếp cận và hòa bình.

Đặc biệt, ASEAN cũng kêu gọi việc thúc đẩy hợp tác an ninh mạng khu vực và xây dựng khả năng lớn hơn, trong đó có việc đào tạo thực thi pháp luật về an ninh mạng và tội phạm mạng thông qua các nỗ lực như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Hội nghị Bộ trưởng CNTT - Viễn thông (TELMIN), AMCC, Chương trình khả năng mạng ASEAN, Phiên họp về an ninh ICT và cuộc họp nhóm công tác của các chuyên gia và ADMM về an ninh mạng của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 diễn ra từ 13 đến 15-11. Ảnh: EPA.

Thương mại mang tính chủ động

Hãng tin AP cho biết, trong chương trình dự kiến của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33, ngoài các Hội nghị cấp cao ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), cấp cao Đông Á (EAS), 7 Hội nghị cấp cao ASEAN+1 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nga), Hội nghị cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 2 cũng sẽ diễn ra.

Để chuẩn bị cho hội nghị RCEP, chiều 12-11, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trù bị được tiến hành tại Trung tâm Hội nghị Suntec, Singapore. Tại đây, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thảo luận một số nội dung về các lĩnh vực mới do các đối tác đề xuất cho FTA trong tương lai hoặc trong các khuôn khổ hợp tác rộng hơn.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing đã thông báo về việc ký kết Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử. Hiệp định này được hoàn tất sau 9 vòng đàm phán kể từ tháng 6-2017 đến nay và được tạo ra nhằm 3 mục đích: tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; tạo ra môi trường tin cậy cho sử dụng thương mại điện tử; thúc đẩy hơn sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong phát triển và ứng dụng sâu rộng thương mại điện tử làm động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực.

Bên lề hội nghị, gần 1.000 đại diện doanh nghiệp ASEAN và các nước đối tác đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN (ABIS) 2018, diễn ra trong hai ngày 12 và 13-11...

Phan Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/asean-khang-dinh-tam-nhin-tu-cuong-va-sang-tao-519932/