ASEAN hướng đến mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ 'tìm được điểm cân bằng' giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại, để RCEP có thể ký kết vào tháng 10/2020 với đủ 16 thành viên.

Hội nghị lần này đóng góp quan trọng vào tiến trình ký kết Hiệp định RCEP vào tháng 10/2020 - Ảnh: VGP/Minh Trang

Hội nghị lần này đóng góp quan trọng vào tiến trình ký kết Hiệp định RCEP vào tháng 10/2020 - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 11/3, tại TP. Đà Nẵng, trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tham gia Hiệp định RCEP.

Được khởi động từ tháng 11/2012, RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng theo hướng chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP sẽ thể hiện mục tiêu cam kết chung hướng tới xây dựng môi trường thương mại và đầu tư mở cửa trong khu vực.

Hiệp định RCEP nhằm mở rộng hơn nữa và tăng cường chuỗi giá trị vì lợi ích của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như lợi ích của người lao động, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hiệp định sẽ thúc đẩy đáng kể triển vọng tăng trưởng trong tương lai của khu vực và đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.

Trải qua nhiều vòng đàm phán, RCEP tưởng chừng đã đạt được thống nhất, tuy nhiên, tình hình đàm phán Hiệp định RCEP trở nên phức tạp hơn kể từ Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 vào tháng 11/2019 tại Thái Lan khi Ấn Độ chưa tìm được “tiếng nói chung” với 15 quốc gia còn lại và cho rằng RCEP không xử lý thỏa đáng những vấn đề vướng mắc và quan ngại của nước này.

Do vậy, tại cuộc họp nội bộ các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về RCEP vào ngày 11/3, ASEAN sẽ tiếp tục thể hiện vai trò “trung tâm” để thảo luận, tìm kiếm các phương án, giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ cũng như các vấn đề khác liên quan đến Hiệp định RCEP, hướng đến ký kết Hiệp định trong năm 2020.

Tối 10/3, tại buổi họp báo thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, trả lời phóng viên về khả năng có thể ký kết RCEP trong năm 2020 và có đủ 16 thành viên (bao gồm Ấn Độ) hay không, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định các thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam là nước chủ tịch ASEAN 2020 và các thành viên ASEAN cùng các nước đối tác khác đang rất nỗ lực để đàm phán RCEP đạt hiệu quả.

“Tôi cho rằng đây là một phần rất quan trọng trong cuộc họp cấp cao năm nay khi mà các lãnh đạo đã đặt mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020. Hy vọng với tất cả các công tác chuẩn bị, kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta sẽ hoàn tất đàm phán kỹ thuật vào tháng 5/2020 để Hiệp định có thể ký kết vào tháng 10/2020”, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nói.

Thông tin thêm về những vướng mắc của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán tìm kiếm sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện Ấn Độ chưa đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường với các nước đối tác, chủ yếu là với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn một số vấn đề về nội bộ, một số ngành trong nước và sẽ còn cần đàm phán thêm trong nước nữa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng để RCEP có thể hoàn thành và ký kết trong năm 2020 thì các quốc gia thành viên phải thực sự nỗ lực. “Hiện đã có những thông tin cập nhật tích cực hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo RCEP thì các nước thành viên phải rất tích cực và nỗ lực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/viet-nam-asean/asean-huong-den-muc-tieu-ky-ket-hiep-dinh-rcep-trong-nam-2020/389635.vgp