ASEAN duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ

2 năm sau chặng đường 50 năm đầu tiên trong quá trình phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy và duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ để ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh đang nổi lên.

Tại Hội nghị AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, ASEAN cần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Ảnh: Getty

Tại Hội nghị AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, ASEAN cần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Ảnh: Getty

Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập với 5 thành viên ban đầu. Trải qua 52 năm hình thành và phát triển, đến nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam).

Mặc dù thế giới có nhiều biến động trong những năm qua, nhưng ASEAN vẫn là khu vực hòa bình và ổn định nhất trên thế giới với sự gắn bó và chia sẻ giữa các nước thành viên. ASEAN cũng đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Đến nay, ASEAN đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trên cả ba trụ cột Cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên tiếp tục ổn định, dự kiến GDP năm 2019 đạt 4,9%, tổng GDP ước đạt 3.000 tỷ USD. ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển bền vững và nâng cao mức sống của người dân.

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình mở rộng và hoàn tất ý tưởng ASEAN bao gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á. Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì như: Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...; tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.

Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động, đặc biệt là những diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động quân sự hóa và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Để trụ vững và thích ứng hiệu quả trướcnhững biến động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN hơn lúc nào hết, cần vững vàng duy trì khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc DOC, mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững. Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại hội nghị về vấn đề này rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, nên đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.

Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN trở thành khu vực ngày càng vững mạnh, tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực, cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm chung của toàn cầu.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/asean-duy-tri-mot-trat-tu-khu-vuc-dua-tren-luat-le/