ASEAN đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng

Một số lãnh đạo ASEAN đề xuất biện pháp nới lỏng các hạn chế nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề phục hồi sau dịch bệnh

Ngày 26-6, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội... đã dự lễ khai mạc.

Nhiều thách thức nghiêm trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" của ASEAN 2020 được triển khai trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động.

Theo Thủ tướng, ASEAN đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch Covid-19. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, vai trò và sứ mệnh của các nước lớn, các tổ chức đa phương và khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vượt qua thử thách, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần kiểm soát tốt dịch Covid-19; có kế hoạch khắc phục hậu quả, phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN.

Tiếp đó, tại phiên toàn thể, lãnh đạo các nước đã rà soát tiến độ xây dựng cộng đồng kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, chỉ đạo hướng triển khai các trọng tâm hợp tác trong năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Đánh giá cao vai trò chủ tịch của Việt Nam, các nước chia sẻ đánh giá với những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19 và các sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh…, ASEAN đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực.

Các nước cũng nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực, từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.

Thượng tôn pháp luật

Các nhà lãnh đạo cho rằng hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020 sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư; cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.

Một số lãnh đạo ASEAN đề xuất các biện pháp để nới lỏng các hạn chế nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh; chuyển đổi sang kinh tế số; nâng cao kỹ năng của lao động trong thời đại mới…

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.

Theo đó, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Đại biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36Ảnh: TTXVN

Đại biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36Ảnh: TTXVN

Nhiều nước cho rằng dịch bệnh đã tác động đến quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, ASEAN cần sớm nối lại tiến trình này, từ đó khẳng định vai trò trung tâm và đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao gắn kết, thích ứng của ASEAN thời gian qua, nhất là đã sáng tạo đề xuất các sáng kiến, vừa phát huy vai trò của ASEAN vừa thu hút sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chung chống Covid-19. Trong khi ASEAN tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời cần thực hiện thành công các ưu tiên trong xây dựng cộng đồng, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại. Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước sẽ hoàn tất và ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.

Vượt lên các thách thức

Đề cập tình hình quốc tế và khu vực, trong khi cả thế giới đang căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam bày tỏ quan ngại ở một số khu vực vẫn tồn tại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình, xói mòn lòng tin. Mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng" và Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác.

Chiều 26-6, hội nghị tiếp tục với các phiên đối thoại lãnh đạo cấp cao, đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số, đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).

Tại cuộc gặp với đại diện ưu tú của hơn 220 triệu thanh niên ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của thanh niên trong nỗ lực chung xây dựng cộng đồng ASEAN, nhấn mạnh: "Các bạn trẻ ASEAN là nơi chúng tôi gửi gắm niềm hy vọng".

Nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41) - chia sẻ ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó đều hiến định: "nam, nữ bình quyền".

Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này. Quốc hội khóa XIV đương nhiệm đã có 26,72% đại biểu là nữ, một tỉ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới.

L.Duy

Tâm điểm biển Đông

Tình hình biển Đông căng thẳng do một loạt hành động đơn phương, sai trái của Trung Quốc thời gian qua là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết ít nhất 5 nhà lãnh đạo ASEAN đã nêu vấn đề này trong bài phát biểu của mình. Tổng thống Duterte bày tỏ lo ngại về những "vụ việc đáng báo động" ở biển Đông gần đây trong bối cảnh khu vực đang nỗ lực đối phó đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước liên quan tránh leo thang căng thẳng ở biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Ông Duterte kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực thi Tuyên bố DOC trong lúc thương thảo về việc soạn thảo Bộ quy tắc COC. "Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ với các nước thành viên khác của ASEAN và Trung Quốc, hướng đến việc sớm hoàn tất soạn thảo một COC hiệu quả và thực chất" - ông Duterte nhấn mạnh.

Tổng thống Philippines đưa ra cam kết trên vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi kêu gọi nối lại đàm phán về COC sau khi tiến trình này bị trì hoãn bởi dịch Covid-19. Bà Retno nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thương thảo về COC và Indonesia ủng hộ nối lại đàm phán về vấn đề này. Không dừng lại ở đó, Bộ trưởng Retno kêu gọi mọi thành viên ASEAN phản đối yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhắc lại lập trường "rõ ràng và nhất quán" của nước này về biển Đông. Theo đó, đây nên là một vùng biển của hòa bình và thương mại. Vì thế, theo Thủ tướng Muhyiddin, những vấn đề liên quan đến biển Đông phải được giải quyết hòa bình, dựa trên những nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, trong đó có UNCLOS 1982.

Theo hãng tin Bernama, nhà lãnh đạo Malaysia thúc giục tất cả các bên tiếp tục làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông, cũng như tăng cường nỗ lực xây dựng, duy trì và cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau vì lợi ích của khu vực và người dân.

H.Phương

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/asean-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-nghiem-trong-20200626222206871.htm