ASEAN cần những cải cách cần thiết để thiết lập một khối không biên giới

Theo phân tích của tờ The Business Times (Singapore), quyết định của Việt Nam đưa chủ đề 'Gắn kết và chủ động thích ứng' trở thành trọng tâm chương trình nghị sự khi nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020 được đưa ra vào thời điểm then chốt đối với khối thương mại này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha. (Nguồn: Strait times)

ASEAN đã có được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua nhờ nhiều cải cách ở các nước thành viên của khối đã được khởi xướng. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia ASEAN đạt trung bình 5,5%/năm kể từ năm 2010 đến năm 2018.

Tuy nhiên, với nhiều “trái ngọt” đến từ cải cách và phát triển kinh tế đã được “thu hái”, tăng trưởng trên toàn khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bắt đầu chậm lại. Trên thực tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực trong năm 2020 sẽ giảm xuống dưới 5%.

Do đó, nếu muốn duy trì được thành quả kinh tế, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Việt Nam, bên cạnh việc ứng phó với bất kỳ sự chậm lại nào bằng việc tạo ra một khối kinh tế gắn kết hơn, có lẽ sẽ là hợp lý hơn cả. Có ba cơ hội để làm được điều này, đó là cắt giảm hơn nữa hàng rào thuế quan, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và tạo ra một khu vực số không biên giới.

Loại bỏ những hàng rào phi thuế quan

Hầu hết các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ trên toàn khu vực Đông Nam Á, nhưng các hàng rào phi thuế quan vẫn còn phổ biến, khi các nước thành viên tìm cách duy trì bảo hộ đối với những lĩnh vực then chốt bằng các biện pháp khác nhau. Hội đồng doanh nghiệp EU - ASEAN ước tính, hiện có khoảng 6.000 hàng rào phi thuế quan riêng rẽ cản trở thương mại trên toàn khu vực.

Nếu các hàng rào thương mại đẩy khu vực Đông Nam Á tiến tới tình trạng tập trung vào trong nước hơn, thì khu vực này sẽ có nguy cơ không thu hút được đầu tư và ngành nghề mà nó cần để “tiếp nhiên liệu” cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, đặc biệt là những ngành gắn với sự thay đổi ngày càng tăng về chuỗi cung ứng.

Một sự bù đắp đáng kể cho những rào cản này sẽ là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN dẫn dắt. Khối thương mại này chiếm 30% dân số và 29% GDP của thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ được ký kết vào đầu năm nay.

Các lĩnh vực khác cần theo dõi trong năm 2020 bao gồm những động thái nhằm gia tăng ngưỡng tối thiểu đối với hàng hóa đòi hỏi chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (cắt giảm số lượng các thủ tục hành chính), thông quan tự động ở tất cả các nước thành viên ASEAN và khuyến khích các nước ASEAN cuối cùng, trong đó có Philippines, gia nhập cơ chế Một cửa ASEAN.

Cơ sở hạ tầng bền vững

Các nước thành viên ASEAN cũng cần phải tiến hành những biện pháp để thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân và việc tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. (Nguồn: ADB)

Yếu tố có ý nghĩa sống còn thứ hai trong việc xác định vị trí của Đông Nam Á cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, mạng lưới viễn thông, sản xuất điện. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến khu vực gắn bó hơn và đem lại nhiều cơ hội hơn cho các ngành công nghiệp.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng nhu cầu đầu tư của khu vực Đông Nam Á là 210 tỷ USD một năm. Trong khi đó, thách thức cũng đến từ mối đe dọa về môi trường mà khu vực đang phải đối mặt.

ADB đánh giá nếu không được giải quyết, tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11% GDP của khu vực vào cuối thế kỷ này. Trong môi trường hiện nay, phát triển cơ sở hạ tầng thiếu bền vững có khả năng gây ra nhiều vấn đề rắc rối hơn. Đây là những khó khăn rất lớn, nhưng các chính phủ vẫn có thể đạt được thành công giữa bối cảnh các cường quốc như Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đều đang cạnh tranh để đầu tư vào hạ tầng khu vực Đông Nam Á.

Dù vậy, đó không phải là tất cả. Các nước thành viên ASEAN cũng cần phải tiến hành những biện pháp để thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân và việc tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Việc tài trợ này được dự đoán sẽ tạo ra môi trường điều tiết gắn kết khuyến khích các mối quan hệ đối tác công - tư công khai minh bạch, từ đó có thể huy động được nguồn lực vốn lớn đang dàn trải ra khắp nền kinh tế toàn cầu để tập trung vào việc tạo ra một cơ sở bền vững, dài hạn cho tăng trưởng khu vực trong tương lai. Ngoài đầu tư tư nhân rộng lớn hơn, nhu cầu tài trợ sẽ đòi hỏi sự gia tăng tài trợ xanh bền vững trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) đang làm việc để kết hợp hài hòa các tiêu chuẩn và quy định xung quanh vấn đề tài chính xanh, cung cấp một bộ hoàn chỉnh các tiêu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đẩy nhanh sự phát triển trên khắp khu vực Đông Nam Á. Do đó, sự phát triển tài chính xanh trên toàn khu vực chắc chắn là điều cần theo dõi trong năm 2020.

Kết nối số không biên giới

Thách thức cuối cùng là tạo ra một hệ sinh thái số gắn kết, không biên giới trên toàn khu vực. Công nghệ số có tiềm năng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và tăng trưởng mới ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trừ khi khu vực này có thể nhất trí được một bộ tiêu chuẩn chung cho việc xử lý dữ liệu và thương mại số để khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu, nếu không tiềm năng đó vẫn không được giải phóng.

Không giống như hàng rào phi thuế quan, các cơ chế điều tiết số khác nhau trên toàn khu vực Đông Nam Á hạn chế khả năng của cả các công ty trong nước lẫn các công ty đa quốc gia gặt hái được đầy đủ lợi ích của các nền kinh tế, làm suy yếu sự hấp dẫn của khu vực với tư cách là điểm đến đầu tư.

Kế hoạch kết nối ASEAN 2025 là yếu tố trung tâm để tăng cường quản lý dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp hài hòa các quy định về dữ liệu giữa các nước thành viên ASEAN cũng như đẩy nhanh dòng chảy dữ liệu trong nội bộ ASEAN. Việc duy trì nguyên tắc sẽ có ý nghĩa thiết yếu đối với đà phát triển trong năm 2020. Sự thúc đẩy sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn khi mạng 5G bắt đầu được triển khai trên toàn khu vực Đông Nam Á vào năm 2020.

Khu vực này đã đạt được rất nhiều thành quả trong 20 năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội để xây dựng sự kết nối. Những rào cản trong thương mại, cơ sở hạ tầng và biên giới số sẽ thách thức khả năng của khu vực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vốn có ý nghĩa rất cần thiết để khu vực đóng vai trò lớn hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu đang nổi lên và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang gia tăng của khu vực.

Tuy nhiên, nếu ASEAN có thể tiến hành những cải cách cần thiết để thiết lập một khối không biên giới và bền vững, thì tăng trưởng của ASEAN - một trong những khu vực hấp dẫn và năng động nhất thế giới - sẽ vẫn tiếp diễn.

Nguyễn Thúy

(theo The Business Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-can-nhung-cai-cach-can-thiet-de-thiet-lap-mot-khoi-khong-bien-gioi-107253.html