'ASEAN cần linh hoạt trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng'

Các nước ASEAN có thể định hình chiến lược xoay sở giữa bối cảnh hai cường quốc Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong một hội nghị khu vực tuần này.

Các thành viên của RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với 6 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã từng nhất trí về hạn chót đàm phán vào cuối năm nay. Do đó, Hội nghị ASEAN lần thứ 33 diễn ra trong tuần này được kỳ vọng sẽ thể hiện tham vọng và sự nghiêm túc của các nước đối với mục tiêu này.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự kiến chủ trì hội nghị thượng đỉnh và từng nhiều lần tỏ thái độ mong muốn thúc đẩy RCEP. Những nguồn thạo tin khẳng định, vẫn còn khác biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc và cũng giữa các nước thành viên phát triển và đang phát triển trong RCEP.

Các nước thành viên RCEP đã nhất trí cần hoàn tất đàm phán Hiệp định này vào cuối năm nay.

Nếu đi vào hiệu lực, RCEP sẽ tạo ra khối hợp tác thương mại lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, và 50% dân số thế giới. RCEP cũng được đánh giá sẽ tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực, mấu chốt giúp ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Được xây dựng trên nền tảng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+1, RCEP được kỳ vọng sẽ tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đẩy mạnh thương mại và dòng vốn đầu tư.

Các bộ trưởng kinh tế RCEP dự kiến gặp gỡ hôm 12/11, cuộc gặp sẽ kéo dài tới ngày tiếp theo, chuẩn bị cho cuộc họp riêng RCEP hôm 14/11. Dù các cuộc họp này có đạt được mục tiêu, thì các đàm phán có thể cần tới đầu năm sau để chốt được thỏa thuận cuối cùng.

Nằm ngoài ý nghĩa về RCEP, Hội nghị lần này còn đem đến chỉ báo về kế hoạch hành động của ASEAN trong thời gian tới, để “xoay sở” trong bối cảnh hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại. Những căng thẳng này còn lan tỏa đến vấn đề phi thương mại như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Gần đây Bắc Kinh đã dịu giọng trong việc tiếp cận ASEAN, một động thái dường như để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực. “Cuộc chiến thương mại đã thay đổi tính toán của Trung Quốc về thế giới”, Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore cho biết. "Đó như hồi chuông cảnh tỉnh”, ông nói.

Hồi tháng 10, ASEAN và Mỹ đã nhất trí tổ chức cuộc tập trận chung lần đầu vào năm 2019. Cũng trong tháng trước, khối 10 thành viên này cùng tham gia diễn tập hải quân với Trung Quốc. “Trong bối cảnh tương đồng chồng chéo, ASEAN cần phải linh hoạt để vững chắc".

Tại Hội nghị ASEAN 33, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được kỳ vọng sẽ đưa ra một số chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-ASEAN, theo chuyên gia Tang Siew Mun. Một điều thú vị khác trong Hội nghị lần này cũng là những phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, ông Tang nhận định. Việc thiếu vắng một chiến lược châu Á rõ ràng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng là điều khu vực Đông Nam Á đang quan tâm.

Tú Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-hoi-moi-cho-rcep-hay-la-asean-trong-boi-canh-my-trung-cang-thang-329577.html