ASEAN+3 ưu tiên hợp tác về y tế công cộng

Hợp tác ASEAN+3 hiện được thúc đẩy trên cơ sở triển khai Kế hoạch Công tác (KHCT) ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022. KHCT ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 gồm 38 nhóm biện pháp, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 vào tháng 8/2017 tại Manila, Philippines.

Lãnh đạo Cấp cao ASEAN+3.(Ảnh:BNG)

Khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) hình thành năm 1997, với cuộc họp cấp cao không chính thức lần đầu tiên giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và được chính thức hóa năm 1999, với việc thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á (Manila, 28/11/1999). ASEAN+3 ra đời xuất phát từ nhu cầu hợp tác của các nước khu vực nhằm đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, không ngừng mở rộng, phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành cơ chế hợp tác năng động, hiệu quả ở khu vực Đông Á, góp phần giải quyết các thách thức chung của khu vực, tạo điều kiện cho hòa bình, ổn định, hội nhập khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á. Năm 2017, các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố Manila về kỷ niệm 20 năm hợp tác ASEAN+3.

Hiện nay, khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 bao gồm 65 cơ chế hợp tác, từ cấp cao đến cấp làm việc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác về chính trị-an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa-xã hội, kết nối. Hợp tác ASEAN+3 hiện được thúc đẩy trên cơ sở triển khai KHCT ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022. KHCT ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 gồm 38 nhóm biện pháp, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 vào tháng 8/2017 tại Manila, Philippines. Đến nay đã có 267 dự án/hoạt động được đề xuất để thực hiện 30/38 biện pháp trong khuôn khổ KHCT. Để hỗ trợ triển khai các hoạt động và dự án, các nước đã thành lập Quỹ Hợp tác ASEAN+3 từ năm 2007 với nguồn kinh phí đóng góp từ các nước ASEAN+3.

Về chính trị-an ninh, các nước ASEAN+3 tập trung hợp tác ứng phó trên các lĩnh vực như tăng cường đối thoại và hợp tác về chính trị an ninh, các vấn đề an ninh phi truyền thống, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, bạo lực cực đoan, hợp tác biển...

Về kinh tế, các nước chú trọng thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, ổn định thị trường tài chính khu vực, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy du lịch bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, hợp tác nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, và hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về văn hóa-xã hội, các nước ưu tiên bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, chống tác động của biến đổi khí hậu, hợp tác xóa đói giảm nghèo vì sự phát triển bền vững, tăng cường phúc lợi xã hội, thúc đẩy già hóa năng động, bình đăng giới, trao quyền năng cho phụ nữ, hợp tác về lao động di cư, trao đổi văn hóa, thanh niên, học giả, nâng cao năng lực truyền thông và thông tin, hệ thống giáo dục và tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, hợp tác về y tế cộng đồng, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp.

Về kết nối, hợp tác phát triển, thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, các nước tích cực phối hợp triển khai nhiều sáng kiến chung về nâng cao năng lực và hỗ trợ triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025. Các nước Cộng ba cũng quan tâm hợp tác hỗ trợ ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc hỗ trợ triển khai Kế hoạch công tác giai đoạn III của Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI).

Hợp tác về y tế công cộng là một trong những ưu tiên của hợp tác ASEAN+3. Trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trong toàn khu vực, với kinh nghiệm đã từng ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là SARS (2003), các nước ASEAN+3 đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp, trong đó ngành hợp tác Y tế ASEAN đã phối hợp chặt chẽ với các Đối tác Cộng ba ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, song song với việc thúc đẩy hợp tác ở tất cả các cấp nhằm bảo đảm nỗ lực ứng phó toàn diện, hiệu quả đối với đại dịch. Cụ thể:

Triển khai họp trực tuyến khẩn cấp Quan chức cao cấp Y tế ASEAN+3 (SOMHD+3) ngày 3/2/2020 nhằm trao đổi thông tin kịp thời về tình hình và các biện pháp ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh ở cấp quốc gia và cấp khu vực. Ngày 13/3/2020, các Quan chức cao cấp Y tế ASEAN+3 tiếp tục họp lại nhằm cập nhật tình hình, rà soát các biện pháp triển khai và phương hướng hợp tác ứng phó đại dịch thời gian tới.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 cũng đã họp hội nghị trực tuyến ngày 07/4/2020 nhằm đẩy mạnh hơn các nỗ lực chung ứng phó đại dịch COVID-19, tăng cường hợp tác chính sách và chiến lược về y tế, và triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực y tế như nghiên cứu khả năng lập lập mạng lưới EOC hợp tác giữa các nước ASEAN+3, phối hợp sản xuất thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế quốc gia và khả năng sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh, đẩy mạnh hợp tác với các Đối tác của ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế và WHO.

Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN và ASEAN+3 trong năm 2020, sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt của Lãnh đạo các nước ASEAN+3 về hợp tác ứng phó dịch bệnh COVID-19 qua hình thức trực tuyến vào ngày 14/4/2020, (từ 14h00-16h00, giờ Hà Nội) nhằm khẳng định cam kết ở cấp cao nhất của các nước ASEAN+3 trong nỗ lực chung ứng phó tới đại dịch toàn cầu, đảm bảo cuộc sống yên bình của người dân và sự phát triển ổn định, bền vững của các nước trong khu vực. Dự kiến tại hội nghị, các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 sẽ thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh quyết tâm và cam kết tăng cường phối hợp nỗ lực hợp tác giữa các nước ASEAN+3.

Mạnh Hùng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/asean-3-uu-tien-hop-tac-ve-y-te-cong-cong-552787.html