Asanzo nhập hàng TQ dán mác VN: Hàng Việt ở đâu?

Khi doanh nghiệp Việt bị đánh tơi tả, có nguy cơ thị trường trở thành sân chơi của doanh nghiệp FDI, Việt Nam không được gì.

Thông tin Công ty CP Điện tử Asanzo nhập khẩu hàng Trung Quốc về lắp ráp, dán mác Việt Nam đang gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với Đất Việt, TS Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế chia sẻ, những gì đang diễn ra với Asanzo những ngày qua khiến ông có cảm giác "không bình thường".

"Dường như có vấn đề gì ngoài kinh tế ở đây. Nếu vì lợi ích của Việt Nam, tại sao còn những thứ phi lý khác không xới lên?

Việt Nam là nền kinh tế gia công, việc nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về để lắp ráp là chuyện rất phổ biến ở Việt Nam, nếu có nhãn hàng gì của Việt Nam thì hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam ở trong đó cũng rất thấp. Đã làm gia công thì các doanh nghiệp ở nhiều nước đều làm như vậy", TS Bùi Trinh nhận xét.

Nhận xét về phản ứng của dư luận trong vụ việc Asanzo, vị chuyên gia cho rằng, phản ứng của nhiều người Việt là do thói quen cảm tính.

Điều khiến ông Trinh lo lắng là doanh nghiệp Việt bị làm cho bầm dập, người được hưởng lợi nhất chính là doanh nghiệp FDI, thị trường Việt trở thành sân chơi của các doanh nghiệp FDI, còn Việt Nam trắng tay.

Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam

Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam

Đã nhiều lần TS Bùi Trinh chỉ ra rằng, Việt Nam hầu như không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực FDI, trong khi luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là rất lớn.

"Lợi nhuận của khu vực FDI có thể được chuyển về nước họ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy luồng tiền ra thuần năm 2017 là cực lớn - khoảng 10,6 tỷ đô la, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá.

Tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn ba lần). Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi", vị chuyên gia chỉ rõ.

Việc cần làm hiện nay, theo TS Bùi Trinh, là phải minh bạch bao nhiêu % làm ở Việt Nam thì được gọi là hàng Việt thay vì chỉ ghi nhãn mác "Made in Vietnam", "Xuất xứ Việt Nam"...

"Không phải FDI cắm trên đất Việt Nam, dán mác Việt Nam vào sản phẩm thì coi đó là hàng Việt Nam.

Bộ tiêu chí về hàng Việt phải làm rõ hàm lượng giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng là bao nhiêu, không phải ghi chung chung là hàm lượng giá trị gia tăng.

Giá trị gia tăng gồm có lương và lãi, lãi của khu vực FDI có thể được chuyển về nước họ, còn lương thì người Việt cũng chỉ được hưởng một phần, các trưởng phòng, phó phòng, chuyên gia... phần nhiều là người của FDI và được trả lương gấp mấy chục lần lương của lao động Việt Nam.

Muốn minh bạch được những vấn đề trên thì quan trọng là phải chống tham nhũng", TS Bùi Trinh nói.

Ra được tiêu chí hàng Việt, song có làm được hay không, theo vị chuyên gia, lại không nằm ở bộ tiêu chí này mà tùy thuộc vào định hướng, điều hành ở phía quản lý, tùy thuộc vào tính cách con người Việt Nam có chịu thay đổi hay không bởi trước nay người Việt dễ bằng lòng với mọi thứ, mà như vậy thì chỉ thích nhập về để lấy thành tích.

"Đừng so sánh Việt Nam với các nước khác, điều đó không có nghĩa lý gì. Vì sao các nước đẻ ra chỉ tiêu GDP? Là vì cung rất mạnh, họ không bán được hàng nên mới đưa ra chỉ tiêu GDP là tổng cầu cuối cùng vì kỳ vọng khi cầu tăng lên sẽ kích thích phía cung. Nhưng đối với Việt Nam, phía cung không có gì, hoàn toàn là gia công và muốn tăng GDP rất dễ" - ông Bùi Trinh nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/asanzo-nhap-hang-tq-dan-mac-vn-hang-viet-o-dau-3382683/