Armenia mong Nga giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh

Bộ Quốc phòng Armenia cho rằng, Azerbaijan đã tấn công vào thiết bị quân sự trên lãnh thổ Armenia, có thể kéo theo sự can thiệp của Nga.

Hôm 14/10, Bộ Quốc phòng Armenia tiếp tục phát đi thông tin cho biết, Azerbaijan đã tấn công các thiết bị quân sự trên lãnh thổ Armenia chứ không chỉ trên lãnh thổ tranh chấp ở Nagorno-Karabakh.

Chiến sự vẫn nổ ra ở vùng tranh chấp Armenia - Azerbaijan. Ảnh: AP

Chiến sự vẫn nổ ra ở vùng tranh chấp Armenia - Azerbaijan. Ảnh: AP

Cụ thể, thông báo nêu rõ: "Vào ngày 14/10, Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã tấn công vào lãnh thổ Armenia, trên biên giới với Karvachar (Kelbajar), nhằm vào trang bị quân sự đang trong tình trạng trực chiến, lấy lý do là thiết bị này được cho là sẵn sàng tấn công vào các khu dân cư hòa bình của Azerbaijan."

Thông tin từ Armenia lưu ý rằng, tuyên bố này của Bộ Quốc phòng Azerbaijan không thể có bất kỳ cơ sở thực tế nào. Phía Armenia nói rằng, "giới lãnh đạo quân sự-chính trị nước này cho phép mình chỉ dựa trên cơ sở các giả định để tiến hành tấn công các thiết bị quân sự đang làm nhiệm vụ chiến đấu bình thường trên lãnh thổ Cộng hòa Armenia".

Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan hôm 14/10 cũng cho hay, hệ thống phòng không Karabakh đã tiêu diệt máy bay cường kích Su-25 của Azerbaijan.

"Các đơn vị phòng không của Quân đội Phòng thủ Artsakh (tên tự xưng của Karabakh) đã bắn hạ máy bay cường kích Su-25 của đối phương" - ông Stepanyan thông tin.

Nhưng Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác bỏ báo cáo của phía Armenia về vụ máy bay chiến đấu Su-25 bị bắn rơi trên tuyến tiếp giáp ở Karabakh.

Bộ cho biết: "Azerbaijan không sử dụng máy bay chiến đấu, không điều máy bay chiến đấu Su-25 lên bầu trời".

Giới quan sát nhận thấy, việc cáo buộc Azerbaijan tấn công vào lãnh thổ Armenia được cho là ý đồ của Armenia bởi quốc gia này có hiệp ước hợp tác quân sự với Nga trong liên minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Điều này có nghĩa Nga sẽ ra tay hành động một khi Armenia bị tấn công. Về vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh hiện nay, Moscow vẫn đưa ra các quan điểm khách quan nhất, không coi vùng lãnh thổ tranh chấp là lãnh thổ Armenia và đứng ra hòa giải hai nước.

Những cáo buộc mới của Armenia có thể tiếp tục kéo Nga vào cuộc xung đột này một lần nữa, nhờ quyền lực của Moscow để giải quyết vấn đề tranh chấp hiện nay.

Hôm 13/10, Tổng thống Armenia Armen Sarkiskyan tin rằng Nga là quốc gia duy nhất không chỉ có thể làm trung gian trong việc dàn xếp Nagorno-Karabakh, mà còn hỗ trợ chấm dứt xung đột giữa các bên giao tranh.

"Việc ngừng bắn là một công việc phức tạp. Về vấn đề này, tất cả chúng ta phải cảm ơn phía Nga. Nga có quan hệ tốt với Armenia, quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan, vì vậy Nga là quốc gia không chỉ có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, mà còn có thể là nước duy nhất có thể đóng vai trò trung gian để ngăn chặn các hành động quân sự trên dòng [liên hệ] và đằng sau nó"- Tổng thống Sarkisyan nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Dozhd.

Tổng thống Armenia cũng ghi nhận sự đóng góp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với khu định cư Nagorno-Karabakh, nhưng nhấn mạnh rằng những nỗ lực của châu Âu là không đủ để giải quyết xung đột.

Cùng ngày, quan chức đứng đầu bộ phận truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đã lên tiếng kêu gọi tiến hành đàm phán 4 bên giữa nước này, Nga, Azerbaijan và Armenia để giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Động thái của Ankara được đưa ra sau hơn 2 tuần giao tranh giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ông Kalin nói: “Bởi vì Nga đứng về phía Armenia còn chúng tôi - Thổ Nhĩ Kỳ - ủng hộ Azerbaijan, chúng ta hãy gặp nhau như một nhóm Bộ Tứ để thảo luận giải quyết những vấn đề này”.

Khi đề cập Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Kalin cho rằng: “Nếu Nhóm Minsk không thể tìm ra được giải pháp trong hơn 30 năm, thì đã đến lúc tìm kiếm một cơ chế mới”.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, các cường quốc thế giới nên thúc giục Armenia rút khỏi đất Azerbaijan.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/armenia-mong-nga-giai-quyet-xung-dot-nagorno-karabakh-3420632/