Armata trang bị mắt thần Pterodaktil, phương Tây hỏi tại sao?

Đến bây giờ nhiều chuyên gia quân sự phương Tây vẫn chưa hiểu tại sao trong điều kiện khó khăn như vậy Nga vẫn chế tạo được siêu tăng như Armata.

Siêu tăng Nga vẫn khiến phương Tây sửng sốt

“Tại sao điều này có thể xảy ra?” - tờ báo Đức Stern đã nói như vậy khi bình luận về siêu tăng T-14 Armata của Nga trong tương quan với các loại xe tăng nổi tiếng trên thế giới như M1 Abram của Mỹ hay Leopard-2 của Đức và những thành công đáng ngạc nhiên của nền công nghiệp quốc phòng Nga trong điều kiện khó khăn tứ bề.

Stern cho biết, sau khi xe tăng T-34 của Liên Xô ra đời trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, nó đã được coi là cuộc cách mạng cuối cùng trong chế tạo xe tăng, nhưng với sự ra đời của xe tăng chiến đấu chủ lực Nga T-14 Armata, tất cả mọi thứ đã thay đổi.

Tháp pháo không người lái và bố trí các khoang độc đáo, nâng cao tính sinh tồn cho tổ lái; trọng lượng chiến đấu nhỏ và tốc độ cao; kích thước nhỏ gọn và trang bị vô tuyến điện tử tiên tiến đã biến chiếc xe tăng Nga trở thành đối thủ đáng gờm cho các xe chiến đấu của NATO.

Chiếc xe tăng Nga có khả năng tấn công vô cùng ấn tượng với tháp pháo điều khiển tự động, pháo cỡ 125mm (trong tương lai là 152mm) với nhiều loại đầu đạn khác nhau. Đặc biệt, nó có thể phóng tên lửa qua nòng và có thể được trang bị cả đầu đạn uranium làm nghèo.

Siêu tăng Armata cũng khả năng phòng thủ rất tốt với cả khả năng phòng thủ thụ động lẫn chủ động. Tính năng phòng thủ thụ động rất tốt với vỏ giáp đồng trục siêu bền, giáp phản ứng nổ tiên tiến, kết hợp với các hệ thống phòng thủ chủ đông, có khả năng gây nhiễu hoặc đánh chặn tên lửa chống tăng địch.

Khung gầm “Armata” có tính chất tương thích rất cao và đã được sử dụng trong năm mẫu xe bọc thép khác đầy hứa hẹn của Nga. Như vậy, những cỗ máy chiến đấu như xe vận chuyển bộ binh, xe chiến đấu bộ binh… trên nền tảng này sẽ có những ưu điểm giống như xe tăng Nga mới.

Thiết kế mới của Nga bắt đầu khiến phương Tây ngạc nhiên, các chuyên gia quân sự NATO phải lên tiếng kêu gọi đẩy nhanh tốc độ chế tạo các mẫu phương tiện bánh xích tương lai. Mỹ, Anh, Đức đang buộc phải đưa ra những kế hoạch mới để đối phó với Armata.

“Phương Tây tụt hậu rất xa ở phía sau. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra?” - tác giả bài viết trên Stern đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời rất đơn giản rằng, các nước NATO đã quên những trận đấu tăng cổ điển mà xe tăng hạng nặng phải đối mặt với kẻ thù được trang bị tốt.

Các phương tiện thiết giáp trên khung gầm Armata của Nga đang khiến phương Tây lo lắng

Thêm tính năng độc đáo mới của Armata

Ngoài ra, bài báo lưu ý đến tuyên bố gần đây của Bộ Quốc phòng Nga về máy bay trinh sát không người lái, kết nối với xe tăng bằng cáp dẻo của T-14 Armata, làm cho nó có tính tương tác độc đáo, khiến cỗ xe tăng Nga như có “mắt thần” trên chiến trường.

Hồi tuần trước, tờ “Izvestia” dẫn thông báo trên của ông Vitaly Polansky, nghiên cứu viên cao cấp từ Ban “Hệ thống kỹ thuật robot hàng không” thuộc Viện Hàng không Moscow, nơi sáng chế mẫu UAV trinh sát giành riêng cho siêu tăng này.

Theo dữ liệu của tờ báo, khí vụ bay không người lái hạng nhẹ có vỏ ngoài làm từ vật liệu composite siêu bền với tên gọi (“Thằn lằn bay” hay “Dực Long”) được thiết kế để quan sát, truyền dẫn thông tin về thực trạng chiến trường trong phạm vi hàng chục cây số xung quanh.

Nhờ có UAV này, kíp lái của Armata có khả năng quan sát tổng quan chiến trường, từ đó đưa ra quyết định tác chiến hợp lý nhất. UAV còn phát hiện kẻ địch trước khi chúng kịp nhìn thấy xe tăng mình và dẫn đường chính xác cho vũ khí và tên lửa tấn công mục tiêu.

Máy bay không người lái “Pterodaktil” có thể bay vòng quanh trong bán kính 50-100 mét quanh cỗ xe chiến đấu với độ cao mấy chục mét. Nhờ đường cáp dẻo kết nối với cỗ chiến xa và qua đó nhận năng lượng, UAV có thể bay liên tục trong không khí.

Còn thêm một ưu điểm rất lớn nữa của hệ thống kết nối điều khiển bằng cáp dẻo này là khả năng bảo vệ an toàn thông tin, không có phương tiện chặn thu trộm nào của kẻ địch có thể chặn thu hoặc cướp quyền điều khiểu tín hiệu điều khiển và dữ liệu trinh sát của nó.

Ngoài ra, trong tương lai Nga sẽ đi tiên phòng trong lĩnh vực tự động hóa, Armata có thể sẽ biến thành cỗ xe tăng hoàn toàn tự động, việc không cần tổ lái sẽ tiết kiệm được sinh mệnh chiến sĩ trên chiến trường, mở ra một cục diện mới trong chiến tranh hiện đại.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/armata-trang-bi-mat-than-pterodaktil-phuong-tay-hoi-tai-sao-3323936/