Arab Saudi: 11 Hoàng tử bị bắt giữ trong chiến dịch thanh trừng tham nhũng

Đã có tổng cộng 11 vị Hoàng tử bị bắt giữ tại Arab Saudi trong hôm 5/11 sau khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud thành lập một ủy ban chống tham nhũng, hãng thông tấn Al-Arabiya của nước này cho hay.

Hoàng thái tử Mohammed bin Salman, người chỉ đạo ủy ban cohongs tham nhũng của Arab Saudi. (Nguồn: Bloomberg).

Người giàu nhất Trung Đông bị bắt

Có 3 vị Bộ trưởng nằm trong số những người bị sa thải, bao gồm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel bin Mohammed Faqih, Bộ trưởng Vệ binh Quốc gia, Hoàng tử Miteb bin Abdullah bin Abdulaziz và Đô đốc chỉ huy Abdullah bin Sultan bin Mohammed Al-Stultan, kênh truyền hình quốc gia Arab Saudi cho hay.

Quốc vương Salman trước đó đã ra chỉ thị thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng mới, một phần trong kế hoạch cải cách năng động nhằm mục tiêu xóa bỏ một vấn đề cố hữu từng gây cản trở các nỗ lực phát triển tại quốc gia này trong suốt nhiều thập kỷ qua, bộ thông cáo báo chí mà Bộ Truyền thông Arab Saudi đưa ra nêu rõ.

Nghị quyết hoàng gia Arab Saudi đưa ra nêu rõ rằng ủy ban chống tham nhũng là cơ quan cần thiết để ngăn chặn "xu hướng của một số bộ phận đặt lợi ích cá nhân của họ lên trên lợi ích chung, và ăn trộm nhiều nguồn công quỹ". Ủy ban này sẽ "theo dõi và chống tham nhũng ở tất cả mọi cấp ngành", theo thông cáo báo chí trên.

Đáng chú ý nhất trong số những người bị bắt là Hoàng tử Alwaleed Bin Talal, người đứng đầu trong danh sách tỷ phú giàu nhất Trung Đông do Tạp chí Forbes bình chọn.

Theo bảng xếp hạng của Forbes năm 2016, Hoàng tử Alwaleed Bin Talal là người giàu nhất Trung Đông với tài sản trị giá khoảng 18 tỷ USD. Ông này cũng là người giàu thứ 41 của thế giới.

Alwaleed sở hữu 95% cổ phần tại tập đoàn đầu tư khổng lồ Kingdom Holding. Thông qua Kingdom Holding, Alwaleed nắm cổ phần tại nhiều ông lớn như Newscorp, Twitter, Citigroup và nhiều công ty khác. Alwaleed cũng sở hữu nhiều kênh truyền hình vệ tinh tại các nước Arab.

Khách sạn Ritz Carlton tại thủ đô Riyadh, được coi là khách sạn hoàng gia, đã được sơ tán trong hôm 5-11, làm dấy lên tin đồn đây là nơi giam giữ Hoàng tử Alwaleed cùng các nhân vật cấp cao đã bị bắt.

Các sân bay sử dụng cho máy bay tư nhân đã bị đóng cửa hôm 4/11. Điều này cho thấy giới chức Arab Saudi dường như muốn ngăn bất cứ nỗ lực bỏ trốn nào trong trường hợp kế hoạch bắt giữ bị rò rỉ. Các vụ bắt giữ có thể sẽ tiếp tục trong những ngày tới.

Củng cố quyền lực

Cả 3 vị trí Bộ trưởng đều đã lập tức được thay thế, trong đó Hoàng tử Khalid bin Abdulaziz bin Mohammed bin Ayyaf Al Murqren giữ vị trí Bộ trưởng Vệ binh Quốc gia, ông Mohammed bin Mazyad Al-Tuwaijri trở thành Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch, và Phó Đô đốc Fahd bin Abdullah Al-Ghifaili giữ chức vụ Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân.

Ủy ban chống tham nhũng Ararb Saudi, đứng đầu bởi Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, có đủ thẩm quyền để điều tra, bắt giữ, đưa ra lệnh cấm di chuyển và đóng băng tài sản đối với bất cứ ai bị cáo buộc tội danh tham nhũng. Vị Hoàng thái tử 32 tuổi này từ lâu đã trở thành một thế lực mới trên chính trường Arab Saudi, được xem là người quyền lực thứ hai chỉ sau Quốc vương và là người mang đến làn sóng cải cách sâu rộng.

Kể từ khi được chính thức chỉ định là người sẽ kế vị Quốc vương trong tương lai, Hoàng thái tử đã lập tức gỡ bỏ một số hạn chế đối với phụ nữ Arab Saudi, và trong tháng trước còn tuyên bố sẽ phá bỏ "các tư tưởng hệ cực đoan" nhằm mang trở lại "cộng đồng Hồi giáo ôn hòa hơn".

John Defterios, chuyên gia phân tích về Arab Saudi từ những năm 1990, cho hay đợt cải cách trên, bao gồm cả việc sa thải các quan chức tham nhũng, là một phần trong kế hoạch cải cách toàn diện của Hoàng thái tử Salman.

"Ban đầu là đưa ra kế hoạch Tầm nhìn 2030, sau đó là cải cách xã hội bắt đầu bằng việc cho phép phụ nữ được lái xe hơi, và giờ như chúng ta đang thấy, là mạnh tay xóa bỏ tận gốc nạn tham nhũng" - ông Defterios nhận định.

Vị chuyên gia nhận định rằng tham nhũng từ lâu đã trở thành một vấn nạn ở Arab Saudi.

"Nạn tham nhũng trong giá dầu mỏ đã gây ảnh hưởng tới khả năng tham gia thị trường của nước này trong vòng 20 năm trở lại đây" - Defterios nói - "Đó là lý do vì sao họ muốn đa dạng hóa nền kinh tế và muốn diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng".

Tuy nhiên, ông Defterios cho rằng tham nhũng không phải lý do duy nhất đằng sau cuộc thanh trừng diện rộng này.

"Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng Hoàng thái tử là người trẻ tuổi và có khả năng sẽ nắm quyền lực trong nhiều thập kỷ nữa. Ông ấy muốn củng cố hàng ngũ quan chức xung quanh mình" - ông Defterios nhận định.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/quoc-te/arab-saudi-11-hoang-tu-bi-bat-giu-trong-chien-dich-thanh-trung-tham-nhung-384831