Apple và việc bán máy cho trường học: những dấu thăng trầm trong 30 năm

Apple hôm qua tổ chức một sự kiện nói nhiều về giáo dục, và đây không phải lần đầu tiên Apple dành sự quan tâm cho lĩnh vực này. Họ đã bắt đầu bán máy tính cho trường học từ tận năm 1978 và giáo dục là một trong các mảng đem đến nhiều tiền cho công ty. Sau khi thời MacBook qua đi thì iPad tiếp tục được Apple đưa vào môi trường học đường, khá là thành công trong thời gian đầu nhưng sau này bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi Chromebook và Windows. Hãy xem thử Apple đã kinh doanh trong thị trường giáo dục ra sao nhé.

Apple II xuất hiện trong trường học

Năm 1978, Apple hợp tác với Hiệp hội máy tính Minnesota (MECC) để đưa 500 máy vào trường học của tiểu bang này. Thỏa thuận cũng cho phép các trường học mua thêm máy tính Apple thông qua MECC để nhận mức giá ưu đãi ưu. Tính đến năm 1982, MECC là đơn vị bán máy tính Apple lớn nhất nước Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn, Steve Jobs thừa nhận rằng một trong những yếu tố giúp Apple II thành công đó là nhờ các trường học.

Apple II

Apple cũng rất khôn khéo, họ dùng lý do này cộng với chiến dịch quyên góp máy tính trên toàn nước Mỹ để yêu cầu Quốc hội khấu trừ thuế cho mình. Tuy nhiên việc này đã không được thông qua, thế nên Apple quay sang lobby tại bang California. Sau khi thống đốc bang này kí một quyết định hồi năm 1982, công ty quyên góp rất nhiều máy Apple IIe cho khoảng 9.000 cơ sở giáo dục tại quê nhà của mình.

Apple II là nền tảng để Apple đặt bước chân vững chắc vào thị trường công nghệ giáo dục. Jobs tự hào khoe trong một cuộc phỏng vấn rằng "tôi đã giúp đưa nhiều máy tính vào nhiều trường hơn bất kì ai trên thế giới này", có lẽ điều đó đúng ở thập niên 80-90. Ông cũng nhấn mạnh rằng máy tính không thể thay thế giáo viên và cũng không thể gây ra ảnh hưởng lớn lên cuộc sống của học sinh sinh viên như cách mà thầy cô giáo hay cha mẹ có thể giúp trẻ.

Đến thời của Mac

Apple thực hiện bước đi lớn kế tiếp trong mảng giáo dục với Macintosh năm 1984. Apple đã rất nỗ lực để đưa Mac vào 24 trường đại học hàng đầu tại Mỹ, trong đó bao gồm tất cả các trường nổi tiếng trong Ivy League như Havard, Yale, Princeton... Có rất nhiều lời khen chê về chiếc Macintosh thế hệ đầu tiên, nhưng một thứ không thể phủ nhận rằng rất nhiều trường đại học ở Mỹ đã có Mac trong phòng lab của mình và chúng tồn tại đến hơn 10 năm sau.

Sau khi không đồng ý với cách mà Apple phân phối máy cho thị trường giáo dục, một phần trong những cuộc cãi vả giữa Jobs với CEO John Sculley, Job ngừng làm việc cho Apple từ năm 1985. Ông ra riêng để thành lập NeXT Computer và cũng tạo ra những chiếc máy tính dành cho giáo dục.

Trong thời kỳ Jobs không có mặt tại Apple, hãng đã làm ra chiếc eMate 300, một mẫu PDA dùng trong trường hợp với bút và màn hình cảm ứng. Nó cũng được thiết kế để chịu được va đập mạnh, thứ thường thấy trong cuộc sống của các học sinh cấp 2 và cấp 3. eMate ra mắt năm 1997 như là một giải pháp giá rẻ thay cho PC, tuy nhiên nó chỉ sống được 1 năm mà thôi.

Jobs quay lại Apple sau khi Apple mua NeXT năm 1997. Một trong những thứ đầu tiên ông làm là dẹp ngay việc kinh doanh các dòng PDA - tablet Newton và eMate. Sau đó Apple ra mắt Power Macintosh G3 All-In-One năm 1998 và cũng bị Jobs dẹp sau chỉ 1 năm. Thay vào đó, Jobs dồn sức để bán iMac G3 Bondi, một biểu tượng cực kì nổi tiếng đã mang Apple ra toàn cầu và cũng là một dòng máy được nhiều trường mua về dạy tin học cho học sinh, sinh viên.

Năm 1999, Dell giành ngôi của Apple để trở thành công ty bán được nhiều máy tính nhất cho các cơ sở giáo dục tại Mỹ. 2 năm trước đó, Jobs từng chế giễu CEO Michael Dell và sản phẩm của Dell và nói rằng ông sẽ đưa Apple vượt qua Dell. "Chúng tôi đang đuổi theo anh đấy bạn hiền". Tới năm 2006, Steve Jobs mới đạt được ước muốn khi giá trị cổ phiếu Apple vượt mặt Dell.

Những năm 2000

Năm 2001, Apple mua lại PowerSchool với giá 62 triệu USD. Công ty này được mô tả là "nhà cung cấp hàng đầu về hệ thống thông tin dành cho học sinh sinh viên chạy trên nền web cho trường học ở Mỹ". Apple bán PowerSchool cho nhà xuất bản Pearson năm 2006 sau khi không làm được nhiều với nền tảng này và họ cũng đang muốn thiết lập mối quan hệ với Pearson để chuẩn bị cho việc phân phối sách giáo khoa về sau. Hiện ứng dụng PowerSchool Mobile vẫn đang được Pearson duy trì trên App Store và Google Play.

Sau chiếc iMac G4 giá cao, Apple giới thiệu eMac, một mẫu desktop chuyên dùng cho trường học vào năm 2002. Thiết bị này trở nên phổ biến đến mức nó được bán rộng rãi ra thị trường tiêu dùng vài năm sau đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhiều mẫu eMac cũng bị hỏng hóc vì các tụ điện không đạt chuẩn giống như nhiều thiết bị điện tử thời đó.

Vài năm sau, Apple quyết định bán MacBook vỏ nhựa cho thị trường béo bở này sau khi không còn bán nó rộng rãi. Chiếc MacBook White được kinh doanh riêng cho các cơ sở giáo dục vẫn còn bán tới năm 2012, tuy nhiên Apple vẫn tiếp tục cung cấp nó cho một số trường đã kí hợp đồng đến năm 2015.

Những năm gần đây

Khi Apple giới thiệu iPad lần đầu tiên hồi năm 2010, nhiều trường đã mua iPad về làm công cụ hỗ trợ dạy học tương tự như cách họ mua máy tính Apple nhiều thập kỉ trước. Đa số các chương trình dạy học bằng iPad được Apple cho là thành công tuy rằng iPad đắt tiền hơn so với các thiết bị đối thủ chạy Android hay Windows. Nhiều trường đại học ở Mỹ giờ vẫn cấp iPad cho sinh viên mới nhập học hoặc dùng làm phần thưởng cho các sinh viên học giỏi.

Năm 2012, khi Apple giới thiệu ứng dụng iBook 2, họ bắt đầu nói nhiều hơn về sách giáo khoa điện tử và những nội sung số phục vụ cho việc dạy học. Nhiều sách giáo khoa của các nhà xuất bản lớn đã được Apple đem lên kho sách của mình. Sách không chỉ là sách tĩnh, nó còn tương tác, nhấn nút, xem video được. Tuy vậy nhưng hiện tại lượng sách giáo khoa kiểu này vẫn còn hạn chế và chủ yếu chỉ dành cho thị trường Mỹ.

Và trong sự kiện ngày hôm qua, Apple giới thiệu hàng loạt cập nhật phần mềm, đặc biệt là bộ iWorks của họ, để phục vụ cho học sinh đi học. Apple cũng ra mắt chiếc iPad 2018 với giá chỉ 299$ dành cho sinh viên và 329$ cho những người dùng còn lại. iCloud 200GB cũng được cung cấp miễn phí nếu bạn có tài khoản sinh viên, trong khi giá bình thường để mua gói này là 59.000 đồng / tháng.

Nhưng thị trường giáo dục giờ đã thay đổi, Apple không còn là lựa chọn hàng đầu. Rất nhiều cơ sở giáo dục chọn Windows làm máy tính chính để giảng dạy, ngoài ra sự nổi dậy của Chromebook (Google) trong 4 năm trở lại đây cũng rất đáng lo ngại vì Chromebook rẻ, chạy hệ điều hành máy tính và được thiết kế như một chiếc laptop truyền thống. Chỉ riêng ở Mỹ là Apple còn nắm thị phần kha khá.

Tham khảo: Apple Insider

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/apple-va-viec-ban-may-cho-truong-hoc-nhung-dau-thang-tram-trong-30-nam.2779764/