Apple, Microsoft và Huawei âm thầm chạy đua Internet of Everything

Điểm chung của ba hãng công nghệ lớn có thể đại diện cho một xu hướng mới trong hướng phát triển của các sản phẩm điện tử thế hệ tiếp theo.

 Cuộc đua âm thầm của ba ông lớn công nghệ. Ảnh: QQ

Cuộc đua âm thầm của ba ông lớn công nghệ. Ảnh: QQ

Ngày 21/4, Apple đã tổ chức họp báo trực tuyến để ra mắt iMac và iPad Pro mới được trang bị chip M1.

Ngày 2/6, Huawei chính thức phát hành HarmonyOS2 và nhiều sản phẩm mới được trang bị HarmonyOS2.

Ngày 24/6, Microsoft đã chính thức phát hành hệ thống Windows 11 (hơn 6 năm sau khi ra mắt Windows 10), và làn sóng thử nghiệm đầu tiên sẽ được khởi động với vào đầu tuần tới.

Trong khoảng hai tháng trở lại đây, Apple, Microsoft và Huawei đã tung ra nhiều sản phẩm và hệ thống mới.

Tất nhiên, các sản phẩm điện tử ngày càng nhanh hơn và việc các nhà sản xuất tung ra sản phẩm mới là điều bình thường. Nhưng điều thú vị là các sản phẩm mới ra mắt của ba nhà sản xuất lớn trong hai tháng qua đều có một điểm chung là máy tính hoàn toàn tương thích với các ứng dụng trên điện thoại di động.

Một số người nói rằng đây dường như không phải là một điều mới mẻ bởi vốn dĩ vẫn có nhiều ứng dụng điện thoại di động trên máy tính. Tuy nhiên, suy nghĩ này có chút hạn hẹp.

Điểm chung của cả ba hãng công nghệ lớn có thể đại diện cho một xu hướng mới trong hướng phát triển của các sản phẩm điện tử thế hệ tiếp theo.

Âm thầm xâm nhập

Internet of Everything là khái niệm rộng hơn của Internet of Things, xoay quanh 4 yếu tố chính: Con người (People), sự vật (Things), dữ liệu (Data) và quá trình (Process).

Những người đam mê sản phẩm điện tử sẽ chú ý theo dõi các cuộc họp báo của Apple, Microsoft, Huawei và sẽ có nhiều bản dự đoán khác nhau.

Nhưng điều mà những người không dự đoán được trong năm nay là các sản phẩm mới của Apple iMac và iPad Pro sẽ sử dụng chip M1 vốn được thiết kế đặc biệt cho MacBook Air. Điều này không chỉ đảm bảo sức mạnh xử lý các công việc mà vẫn giúp nó tiết kiệm năng lượng so với các chip xử lý hiện nay.

iPad Pro được trang bị M1 có lẽ không chỉ là một bản nâng cấp hiệu suất thông thường mà mục đích thực sự của nó là thay đổi hệ sinh thái phần mềm của iPad.

Khi chúng ta lần đầu tiên nghe về "Internet of Everything" (IoE), không ít người cảm thấy rằng đây là một khái niệm xa vời và còn lâu mới được đưa vào trong cuộc sống thực tế, chẳng hạn như kỷ nguyên máy tính tiếp theo.

Trên thực tế, "Internet of Everything", giống như một cơn mưa xuân lặng lẽ, đã và đang âm thầm diễn ra trong cuộc sống của chúng ta.

Sự kết nối của mọi thứ không có nghĩa là tất cả các thiết bị đầu cuối đều có thể được kết nối cùng một lúc, mà cần phải có một quá trình để kết nối từ từ.

Ví dụ, đầu tiên là kết nối giữa điện thoại di động và điện thoại di động, điện thoại di động và máy tính. Trong những ngày đầu, kết nối thông qua đường truyền dữ liệu, sau đó là qua Bluetooth.

Tiêu biểu cho sự kết nối giữa điện thoại và máy tính phải kể đến sự đồng bộ của QQ và WeChat (hai nền tảng mạng xã hội rất phổ biến tại Trung Quốc). Tuy nhiên, vì phần cứng và hệ điều hành của điện thoại di động và máy tính khác nhau, các tập lệnh có thể được áp dụng không giống nhau (tập lệnh là ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu được và các chip khác nhau sử dụng các tập lệnh khác nhau), WeChat và QQ có thể trực tuyến cùng một lúc vì nhà phát triển đã thiết kế hai chương trình cho điện thoại di động và máy tính cùng một lúc.

Vì vậy, nếu muốn có nhiều ứng dụng điện thoại di động được sử dụng trên máy tính, các nhà phát triển phải tái thiết kế các chương trình ứng dụng trên máy tính, điều này gây lãng phí rất lớn về nhân lực và trí tuệ của các lập trình viên.

Trong ba năm qua, Apple đã nỗ lực đưa các ứng dụng iOS trên điện thoại di động lên hệ điều hành MacOS trên máy tính. Tuy nhiên, do phần cứng của điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính vẫn khác nhau nên về cơ bản đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Tuy nhiên, sau khi chip M1 xuất hiện trên iPhone và iPad, do kiến trúc tập lệnh của chip M1 giống hệt với các chip được sử dụng cho Mac, Apple đã giải quyết được khả năng tương tác ứng dụng do sự khác biệt phần cứng gây ra. Apple cũng tuyên bố rằng tất cả các máy Mac được trang bị chip M1 đều có thể chạy trực tiếp các ứng dụng từ phía iOS.

Apple luôn được biết đến với mục tiêu theo đuổi sự hoàn hảo, chỉ cần họ quyết định tung ra một sản phẩm thì đó phải là sản phẩm tốt nhất hiện tại, hãng sẽ không cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chưa hoàn thiện.

Nhưng lần này thì khác. Mặc dù bạn có thể tải xuống ứng dụng dành cho thiết bị di động trực tiếp từ Apple Store của Mac, nhưng nhiều ứng dụng dành cho thiết bị di động có trải nghiệm chưa thực sự mượt mà trên máy tính, điều này đối với Apple trước đây là điều khó có thể xảy ra nhưng nó phản ánh sự cấp thiết của Apple trong việc thúc đẩy tích hợp máy tính và các ứng dụng di động.

Xem xét một loạt các thiết bị đeo như đồng hồ và kính thông minh, bộ theo dõi Bluetooth không dây AirTag, xe hơi của Apple trong tương lai, có thể kết luận: Apple đang đi theo con đường của Internet of Everything, trong đó nhiều thiết bị được tích hợp trong một hệ sinh thái khép kín.

Tiếp tục hướng đến phía trước

Window 11 có thể chạy ứng dụng Android

Microsoft có thể nói là thống trị thế giới về mặt PC. Điểm mạnh của của Microsoft là khả năng tương thích và ổn định. Tệp thực thi của hệ điều hành sớm nhất DOS của Microsoft vẫn có thể chạy trên hệ thống Windows 10. Tương tự, hệ thống Windows 10 cũng có thể được cài đặt trên bộ vi xử lý Intel Pentium 4 cách đây 20 năm.

Nhiều phần mềm trên Apple iOS không còn có thể cập nhật nữa, nhưng Office vẫn duy trì khả năng tương thích về sau của nhiều định dạng tệp khác nhau kể từ khi nó ra đời.

Điều này có nghĩa là nhà trường luôn có thể kết hợp Windows + Word + Excel + Powerpoint trong lớp học mà không phải lo lắng về khả năng tương thích của các công cụ này. Các đơn vị hành chính luôn có thể sử dụng hệ thống này cho công việc văn phòng mà không cần lo lắng về việc đào tạo nhân viên mới, nâng cấp và bảo trì.

Sự ổn định và tương thích mạnh mẽ đã đặt nền tảng cho sự thống trị của Microsoft.

Bắt đầu từ Windows 8, Microsoft bắt đầu xây dựng kho ứng dụng của riêng mình, với hy vọng biến các dịch vụ phần mềm thành một vòng khép kín. Trong kho Windows 10, Microsoft bắt đầu cung cấp phần mềm UWP (Universal Windows Platform, một cấu trúc ứng dụng thống nhất giữa các nền tảng). Theo kế hoạch của Microsoft, nền tảng di động đầu cuối của Microsoft và nền tảng máy tính Windows 10 có thể sử dụng các ứng dụng UWP để thiết lập một hệ sinh thái kết nối với nhau.

Ứng dụng UWP tương thích đồng thời với môi trường di động và máy tính để bàn, nhưng nó chỉ được phân phối trong cửa hàng Windows 10.

Trong Windows 11, Microsoft đã thiết kế lại Windows Store, kho ứng dụng đi kèm với hệ thống mới, với những thay đổi về giao diện UI và phong cách nền tảng di động hơn. Quan trọng hơn, Windows 11 sẽ cung cấp hỗ trợ riêng cho các ứng dụng Android.

Tại buổi họp báo, Microsoft đã sử dụng TikTok làm minh chứng cho việc mở và sử dụng ứng dụng di động giống như các chương trình Windows thông thường. Giao diện duyệt web tương tự như trên điện thoại di động, không cần điều chỉnh trên máy tính.

Liệu hệ thống mới có thực sự cho phép Microsoft thiết lập kết nối giữa PC và điện thoại di động hay không, chúng ta vẫn chưa chắc chắn. Nhưng đối với Win11, Microsoft đang chứng minh tham vọng kết nối máy tính và điện thoại di động.

Cùng một trường đua

Gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc đặt mục tiêu thống trị các thiết bị IoT bằng hệ điều hành HarmonyOS.

Sau khi bị Mỹ trừng phạt, Huawei đã ra mắt hệ điều hành Harmony. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích Huawei đơn giản chỉ sao chép một phiên bản Android đã lỗi thời và khoác lên nó giao diện EMUI.

Tuy nhiên, theo Huawei, Harmony đã được lên ý tưởng sơ bộ vào năm 2012. Năm 2016, nó chính thức được thành lập và phát triển theo hướng "Internet of Things"(IoT). Tuy nhiên, sau khi Huawei đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ và Google dừng dịch vụ GMS Core, nhiều người đã hiểu lầm rằng Harmony là một bản sao của Android.

Lời giải thích của Huawei xét trên một số mặt khá đáng tin cậy. Do đã có hai hệ điều hành thống trị là iOS và Android nên việc xây dựng một hệ điều hành mới xuất phát từ con số 0 là không cần thiết. Nhìn vào kinh nghiệm của Microsoft và các nhà sản xuất khác, với tầm nhìn chiến lược của Huawei, việc họ xây dựng một hệ điều hành dành cho thiết bị IoT là điều dễ hiểu.

Theo QQ, Harmony có ưu điểm về mặt kỹ thuật trong ứng dụng IoT, nhưng có nhược điểm về mặt sinh thái tương đối lớn.

Như đã đề cập trước đó, các chip khác nhau, kiến trúc tập lệnh khác nhau và cần hai bộ ứng dụng để thích ứng với phía PC và phía điện thoại di động. Giải pháp của Apple là hợp nhất các chip để có thể sử dụng cùng một tập lệnh.

Những gì Harmony của Huawei làm là tối đa hóa tính độc lập của tập lệnh khỏi phần cứng, tức là, bất kể nhà phát triển sử dụng tập lệnh nào, nó đều có thể chạy trên Harmony. Do đó, các nhà phát triển có thể tạo ra một tập hợp các ứng dụng có thể được điều chỉnh cho tất cả các thiết bị đầu cuối.

Không ai biết mục tiêu của Huawei đã đạt được bao nhiêu và liệu có thể đạt được mục tiêu đó trong tương lai hay không, nhưng hiện tại, Huawei đã vươn lên dẫn đầu trong ngành về một số công nghệ.

Xét về khả năng liên lạc và kết nối, các thiết bị thông minh được trang bị hệ thống Harmony chỉ cần chạm vào điện thoại di động được trang bị hệ thống Harmony sẽ tự động kết nối.

Ảnh: QQ

Điều mà Harmony muốn làm trong tương lai không chỉ là kết nối với nhau mà còn là sự hỗ trợ lẫn nhau. Các thiết bị mà HarmonyOS hoạt động không chỉ có smartphone mà còn bao gồm đồng hồ thông minh (smart watch), tivi thông minh (smart TV), các thiết bị gia dụng thông minh và thiết bị thông minh khác có kho ứng dụng riêng, có thể kết nối với Internet.

Trong tương lai, khi công nghệ có thể đạt đến "Internet of Everything", camera ở nhà có thể ghi lại các hoạt động của con người trong thời gian thực, ghế và giường cũng có thể được trang bị cảm biến để ghi lại và phân tích dữ liệu hành vi của con người, nhắc nhở dữ liệu bất thường để hỗ trợ điều chỉnh hành vi không lành mạnh.

Các thiết bị có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, cường độ ánh sáng, nhiệt độ nước tắm. Ví dụ, nếu có hai người trong gia đình, vợ thích nước ấm hơn, chồng thích nước lạnh hơn, camera được kết nối với máy nước nóng trong phòng tắm và camera có thể truyền dữ liệu đến máy nước nóng theo chân dung nhận dạng trước khi người đó bước vào phòng tắm. Máy nước nóng sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.

Điều này nghe có vẻ hơi quá khoa học viễn tưởng, nhưng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, những điều này dường như không còn là điều viển vông nữa.

Bởi lẽ, 100 năm trước, ai có thể tưởng tượng đến điện thoại thông minh ngày nay? Giờ đây, xu hướng tích hợp của điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính cá nhân ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Không chỉ vậy, cuộc sống của chúng ta liên tục được kết nối với các thiết bị đầu cuối mới, chẳng hạn như thiết bị đeo thông minh, nhà thông minh, hệ thống xe hơi và máy móc,...

Đối với ngành, hiểu công nghệ tiên tiến đồng nghĩa với sự giàu có. Đối với những người bình thường, hiểu được công nghệ tiên tiến chỉ là để tránh bị công nghệ đào thải.

Theo QQ

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/apple-microsoft-va-huawei-am-tham-chay-dua-internet-of-everything-post147539.html