Apple đối đầu với Qualcomm trong cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ USD

Từ đối tác lâu năm, Apple và Qualcomm quay ra kiện tụng lẫn nhau. Bên cạnh khoản tiền bồi thường khổng lồ, kết quả của vụ kiện sẽ có tác động rất lớn đến chiến lược kinh doanh của cả 2 công ty.

Ngày 15/4, Apple cùng các đối tác liên minh sẽ tham gia một phiên tòa tại San Diego, kiện đối tác cung cấp chip của mình là Qualcomm vì tham gia các hoạt động cấp phép bằng sáng chế bất hợp pháp. Ngược lại, phía Qualcomm cũng đệ đơn kiện Apple vì ép buộc đơn vị từ bỏ khoản tiền bản quyền độc quyền.

Cuộc chiến pháp lý giữa 2 đối tác bắt đầu từ năm 2017 với các vụ kiện liên quan đến các hoạt động cấp phép bằng sáng chế bất hợp pháp.

Apple bảo vệ quyền lợi cho những đối tác lắp ráp của họ và nói rằng số tiền Qualcomm đã thu bất hợp lý lên tới 9 tỷ USD. Apple đồng thời đòi hỏi Qualcomm phải trả lại 3,1 tỷ USD cho những bản quyền đã hết hạn.

Trong khi đó, Qualcomm cho rằng các đối tác của Apple nợ họ 7,5 tỷ USD. Họ đồng thời muốn Apple đền bù thiệt hại gấp đôi số đó, tức là 15 tỷ USD.

Trong thời kỳ đầu phát triển iPhone vào năm 2007, Apple đã sử dụng nhiều công nghệ của Qualcomm. Hãng sản xuất chip muốn tính phí 5% cho mỗi chiếc iPhone, tương đương khoảng 12-20 USD.

Thời điểm này CEO của Apple là Steve Jobs đã chấp thuận yêu cầu của ông chủ Qualcomm Steve Mollenkopf. Năm 2011, hai công ty ký gia hạn thỏa thuận. Qualcomm trả cho Apple 1 tỷ USD/năm để trở thành nhà cung cấp độc quyền chip modem cho iPhone, với điều kiện đi kèm là Apple phải trả lại số tiền đó nếu ký hợp đồng với một hãng chip khác.

Khi Tim Cook lên nắm quyền điều hành Apple, vị CEO ngay lập tức thể hiện sự không đồng tình với mức phí mà Qualcomm đưa ra. Ông cho rằng khoản phí bản quyền phải trả cho Qualcomm lớn hơn phí bản quyền của tất cả các công nghệ khác trên iPhone cộng lại. Bên cạnh đó, giám đốc vận hành Jeff Williams cũng không hài lòng với thỏa thuận độc quyền về modem Qualcomm.

Năm 2016, Apple đã tiến hành hợp tác với một hãng cung cấp chip mới là Intel nhằm sản xuất dòng iPhone 7 mở bán tại thị trường Trung Quốc.

Phía Qualcomm tức tối quyết định chấm dứt thỏa thuận trả 1 tỷ USD mỗi năm vì cho rằng Apple đã vi phạm hợp đồng. Apple đáp trả bằng việc ngừng trả tiền bản quyền và đâm đơn kiện hãng sản xuất chip vào tháng 1/2017.

Trong vòng 2 năm qua, phía Qualcomm liên tục gây sức ép lên Apple, công ty này đệ đơn kiện ngược lại Apple ở cả Mỹ, Đức và Trung Quốc. Họ cũng ngừng cung cấp những phần mềm quan trọng để thử nghiệm chip vì cho rằng Apple chia sẻ phần mềm với đối thủ Intel.

Phía Apple cũng không còn muốn phụ thuộc vào công nghệ của Qualcomm. Tháng 10/2017, Apple bắt tay vào nghiên cứu những mẫu iPhone, iPad mới hoàn toàn không có linh kiện từ Qualcomm. Phía hãng cũng bắt đầu phát triển bộ xử lý chip modem cho riêng mình.

Kết quả của vụ kiện sẽ có tác động rất lớn đến chiến lược kinh doanh của cả 2 công ty chứ không chỉ riêng khoản tiền bồi thường khổng lồ.

Về phía Apple, việc thắng kiện sẽ cho phép hãng tự do mua chip cho các sản phẩm của mình mà không phải trả lệ phí cấp bằng sáng chế cho Qualcomm, qua đó có thể giúp hạ giá bán các thiết bị.

Ngược lại đối với Qualcomm khoản phí bản quyền này vô cùng quan trọng. Trong vòng 5 năm hợp tác với Apple, Qualcomm thu về 23 tỷ USD tiền bản quyền, bằng một nửa tổng doanh thu các sản phẩm khác của công ty là 46 tỷ USD.

Việc thua kiện không chỉ dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD mà còn ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh pha trộn giữa việc bán chip và thu phí cấp phép bản quyền với hơn 130.000 bằng sáng chế.

Dù chưa kết thúc nhưng đến nay cả 2 bên đã chịu nhiều tổn thất do tranh chấp lẫn nhau. Thời điểm hiện tại, giá trị thị trường của Qualcomm đã giảm tới 25%. Phía Apple cũng đang lép vế trong cuộc chạy đua mạng di động siêu tốc độ 5G khi đối tác Intel chưa thể kịp thời đáp ứng các yêu cầu cần thiết.

Bá Di (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/apple-doi-dau-voi-qualcomm-trong-cuoc-chien-phap-ly-tri-gia-hang-ty-usd-a430160.html